Đồng yên tăng giá so với hầu hết các tiền tệ chủ chốt do thị trường nhận định ông Kazuo Ueda sẽ trở thành Thống đốc tiếp theo của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ).
Thị trường tiền tệ đã trải qua phiên thứ Sáu (10/2) biến động mạnh. Đồng USD giảm mạnh vào đầu phiên giao dịch so với đồng yen, nhưng hồi phục phần nào sua khi ông Kazuo Ueda nói rằng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Nhật Bản hiện nay là phù hợp. Trong khi đó, USD kéo dài đà tăng so với euro sau khi kết quả cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy lạm phát ở Mỹ hiện đang ở mức tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với lạm phát của tháng 1/2023, và chỉ số chung về tâm lý người tiêu dùng Mỹ hiện ở mức 66,4, tăng khá mạnh so với mức 64,9 của tháng trước.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết kết quả khảo sát về lạm phát Mỹ của trường Đại học Michigan là một trong những chỉ số mà ngân hàng trung ương Mỹ theo dõi rất chặt chẽ.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày thứ Sáu (10/2) theo giờ Việt Nam tăng 0,41% lên 103,6392. Tính chung cả tuần, Dollar index tăng 0 0,71%, là tuần tăng thứ hai liên tiếp và có mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2022.
Đồng bảng Anh vững ở mức 1,2112 USD sau khi Anh tránh được suy thoái kỹ thuật, mặc dù nền kinh tế không tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm 2022. Đồng euro giảm 0,4% xuống 1,0699 USD, tính chung cả tuàn giảm tuần thứ 2 liên tiếp so với USD.
“Chúng ta đang ở một năm mà đồng USD có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, đừng quên USD vẫn có những giai đoạn có xu hwongs tăng giá”, Juan Perez, giám đốc giao dịch của Monex USA ở Washington cho biết.
Tại Nhật Bản, báo Nikkei đưa tin Chính phủ sẽ bổ nhiệm học giả Ueda vào vị trí hàng đầu của Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ), khiến đồng yên tăng giá khi thị trường dự đoán khả năng chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo có thể kết thúc sớm hơn.
Nhưng trong các bình luận được phát trực tuyến bởi Nippon TV, ông Ueda cho biết chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại của ngân hàng trung ương là phù hợp và nên được tiếp tục áp dụng, khiến đồng yen hạ nhiệt, giảm một số mức tăng có được lúc đầu phiên.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Chính phủ đang lên kế hoạch giới thiệu ứng cử viên thống đốc BOJ trước quốc hội vào thứ Ba, nhưng không trả lời câu hỏi liệu ông Ueda có được đưa vào danh sách hay không.
Juan Perez, giám đốc giao dịch của Monex USA ở Washington, cho biết: “Thật sự rất dễ xảy ra nếu những thay đổi lớn đang đến với BOJ theo xu hướng thắt chặt tiền tệ. Chúng tôi đang chứng kiến đồng đô la bị kéo giật lùi, trong khi đồng yên tăng giá do khả năng có hành động chính sách thắt chặt."
Đồng USD trong phiên vừa qua có lúc giảm xuống 129,8 JPY/kg, mức thấp nhất trong một tuần, kết thúc phiên vẫn giảm 0,5% xuống 130,92 JPY/USD.
Đồng euro và bảng Anh đều có thời điểm giảm hơn 1% so với yen Nhật, kết thúc phiên vẫn giảm khoảng 0,8%, xuống lần lượt 140,13 JPY và 158,23 JPY. Đô la Úc cũng giảm 0,5% xuống 90,78 JPY.
BOJ đã gây sốc cho thị trường vào tháng 12 khi tăng trần lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm từ 0,25% lên 0,5%. Kể từ đó, đã có nhiều đồn đoán rằng BOJ có thể điều chỉnh hoặc loại bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của mình, mặc dù trong cuộc họp gần đây nhất họ vẫn kiềm chế chưa có bất cứ thay đổi nào.
Phó thống đốc BOJ Masayoshi Amamiya từng là ứng cử viên hàng đầu để thay thế Thống đốc đương nhiệm Haruhiko Kuroda, nhưng tờ Nikkei đưa tin rằng ông đã từ chối công việc này.
James Malcolm, người phụ trách chiến lược ngoại hối của UBS, cho biết khả năng đề cử ông Ueda nên được coi là kết quả của tư tưởng thắt chặt tiền tệ, do ông Ueda trước đây đã chỉ trích về chính sách tiền tệ của BOJ đã áp dụng từ năm 2016.
“Tôi ngạc nhiên là tỷ giá yen – đô la chưa ở mức 129,” ông Malcolm nói.
"Có lẽ đó chỉ là kết quả của việc mọi người không biết những nhân vật này là ai. Đối với tôi, điều này báo trước một chính sách thắt chặt, giống như việc ông Yamaguchi giữ vai trò thống đốc vậy."
Hirohide Yamaguchi, cựu phó thống đốc BOJ, cũng đang tranh cử vị trí cao nhất trong ngân hàng trung ương Nhật và trước đây từng là người chỉ trích mạnh mẽ chương trình kích thích kinh tế của BOJ.
Trong khi đó, đồng crown của Na Uy sau khi mạnh lên so với đồng euro đã giảm 0,8% xuống 10,8382 sau khi tỷ lệ lạm phát cơ bản của Na Uy trong tháng 1 tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Trong phiên vừa qua, đồng rouble của Nga tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 9 tháng khi ngân hàng trung ương nước này giữ nguyên lãi suất, nhưng báo hiệu khả năng sẽ tăng lãi suất trong tương lai và Moscow ra lệnh cắt giảm sản lượng dầu lớn.
Theo đó, rouble Nga có lúc giảm xuống 73,390 RUB/USD, mức thấp nhất kể từ 27/4/2022, kết thúc phiên vẫn giảm 0,4% xuống 73,28 RUB/USD.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm sau khi dữ liệu cho thấy giá tại cổng nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 1 giảm hơn dự kiến, cho thấy các nhà sản xuất vẫn chưa hoạt động hết tốc lực ngay cả sau khi đã dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt chống COVID vào cuối năm ngoái.
Giá tại cổng nhà máy, được phản ánh bởi chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 0,8% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hơn mức dự đoán. Sự sụt giảm như vậy là điều bất ngờ sau khi dữ liệu trước đó cho thấy hoạt động kinh tế đã tăng trưởng trở lại vào tháng Giêng.
Trong khi các nhà phân tích tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục trong năm nay, thì các nhà đầu tư lại mong muốn có thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế này đang trên quỹ đạo phục hồi mạnh mẽ và bền vững sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra vào năm 2022.
Đồng nhân dân tệ giao ngay kết thúc tuần giảm 146 pip xuống 6,7996 CNY/USD.
Trung Quốc dự kiến sẽ công bố dữ liệu tín dụng tháng 1 trong những ngày tới. Các nhà phân tích được Reuters thăm dò ý kiến cho rằng các khoản cho vay ngân hàng có thể tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 1 khi ngân hàng trung ương chuyển sang thúc đẩy tăng trưởng và tạo tiền đề cho sự phục hồi vững chắc.
Đồng Bitcoin giảm mạnh trong phiên cuối tuần, xuống mức 21.680 USD. So với mức 23.527 USD cuối tuần trước, Bitcoin đã giảm khoảng 8% trong tuần này.
Giá vàng biến động nhẹ trong phiên cuối tuần khi thị trường giảm tốc độ giao dịch để chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ, sẽ được công bố vào tuần tới – có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Giá vàng giao ngay kết thúc ngày thứ 10/2 theo giờ Việt Nam tăng 0,3% lên 1.867,80 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6/1. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 vững ở 1.878,10 USD.
Mặc dù vẫn lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường thế giới cho thấy sự lạc quan đang quay trở lại, điều này có thể làm dịu chu kỳ tăng lãi suất của Fed.
Trên thị trường châu Á, những người mua vàng vật chất ở một số trung tâm giao dịch đã bị thu hút bởi giá trong nước giảm trong tuần này. Giá vàng tại Ấn Độ chạm mức thấp là 56.496 rupee/10 gam, giảm khỏi mức cao nhất mọi thời đại là 58.826 rupee tăng vào tuần trước. Ấn Độ đã không cắt giảm thuế nhập khẩu vàng trong ngân sách hàng năm được công vào ngày 1 tháng 2, bất chấp nhu cầu từ ngành công nghiệp vàng thỏi, mà thay vào đó tăng thuế đối với bạc.
Các đại lý ở nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc đã tăng mức cộng đối với vàng lên 12-15 USD/ounce so với giá giao ngay tham chiếu quốc tế, từ mức 10-15 tuần trước.
Theo Cafef
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comments