top of page
Ảnh của tác giảTrang Đặng

Vốn hóa thị trường chứng khoán mất hơn 1,6 triệu tỷ đồng sau 3 tháng

10 doanh nghiệp lớn nhất sàn HoSE không có một cái tên nào ngược dòng xu hướng và hầu hết các đều đã mất hàng tỷ USD vốn hóa trong hơn 3 tháng qua.

Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới trong sắc đỏ bao trùm trên hầu hết các nhóm ngành. VN-Index giảm hơn 16 điểm (-1,37%) xuống mức 1.155,29 điểm. Tính từ đỉnh giai đoạn đầu tháng 4, chỉ số này đã giảm gần 370 điểm, tương ứng hơn 24,2%. Tương tự, HNX-Index và UpCOM-Index cũng lần lượt giảm 39,6% và 26,7% so với thời điểm ngày 4/4.

Tính chung cả 3 sàn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất gần 1,62 triệu tỷ đồng (~70,4 tỷ USD) chỉ sau hơn 3 tháng. Riêng sàn HoSE đã đánh rơi hơn 1,44 triệu tỷ đồng (~ 62,8 tỷ USD) trong đó 10 doanh nghiệp lớn nhất sàn không có một cái tên nào ngược dòng xu hướng với tổng vốn hóa giảm 423.254 tỷ đồng so với đỉnh hồi đầu tháng 4.

Hầu hết cổ phiếu top 10 vốn hóa trên HoSE đều đã mất hàng tỷ USD trong hơn 3 tháng qua

Hầu hết các doanh nghiệp top đầu đã mất hàng tỷ USD vốn hóa trong khi chỉ duy nhất Vinamilk (mã VNM) giảm ít hơn nhưng con số cũng lên đến 19.000 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, chỉ còn Vietcombank (mã VCB) duy trì vốn hóa trên 300.000 tỷ đồng trong khi Vingroup (mã VIC) và Vinhomes (mã VHM) đều đã rớt khỏi mốc này.

Nhịp giảm mạnh từ đỉnh đã đưa mức định giá thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng "rẻ" hơn. Theo dữ liệu từ Algo Platform, P/E trailing của VN-Index hiện chỉ còn 12,5 lần, thấp hơn rất nhiều so với trung bình 5 năm (16,3x) và trung bình 10 năm (14,5x). Dù vậy, rẻ không đồng nghĩa với việc hấp dẫn và thị trường có thể tạo đáy thành công và đi lên còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

P/E VN-Index lại "rẻ" hơn

Theo thống kê từ KBSV, P/E forward 2022 của VN-Index hiện chỉ ở mức 12,2 lần, con số chỉ xuất hiện 3 lần duy nhất trong 10 năm trở lại đây. Thứ nhất giai đoạn năm 2012 do các bất ổn vĩ mô sau khủng hoảng 2009. Thứ hai giai đoạn cuối năm 2015 đầu năm 2016 trước lo ngại Trung Quốc hạ cánh cứng và FED nâng lãi suất lần đầu sau khủng hoảng tài chính. Cuối cùng là giai đoạn đầu năm 2020 do khủng hoảng Covid-19.


Điểm chung của cả 4 giai đoạn (bao gồm giai đoạn hiện tại) là đà sụt giảm của thị trường đều đến từ các rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong đó, KBSV đánh giá bối cảnh vĩ mô hiện tại có sự tương đồng rất lớn với giai đoạn cuối 2015, đầu 2016. Thời điểm thị trường tài chính toàn cầu lo ngại rủi ro kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng, Fed nâng lãi suất lần đầu kể từ khủng hoảng tài chính 2009), trong khi kinh tế trong nước vẫn phát đi những tín hiệu tích cực.

Nếu so sánh tương quan P/B hiện tại với mức P/B thấp nhất giai đoạn 2015 - 2016, ngoại trừ thép, các nhóm ngân hàng, chứng khoán, BĐS vẫn đang giao dịch với P/B cao hơn lần lượt 23%, 30% và 60%. Theo KBSV, điều này không có nghĩa cổ phiếu các ngành này cần giảm thêm tuy nhiên có thể thấy định giá các nhóm cổ phiếu này chưa hẳn đã hấp dẫn.

Hiện tại, tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu là câu chuyện lạm phát và suy thoái. Diễn biến mối quan hệ các loại tài sản toàn cầu cũng đang trong giai đoạn chuyển giao từ nỗi lo lạm phát sang nỗi lo suy thoái. Theo đó, trong nửa cuối năm 2022, câu chuyện suy thoái sẽ là tâm điểm khi câu chuyện lạm phát đang có dấu hiệu dần hạ nhiệt.

Nhận định về bối cảnh chứng khoán Việt Nam, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Môi giới Chứng khoán HSC đánh giá, chưa đủ căn cứ cho thấy thị trường đã tạo đáy. Hiện có 2 quan điểm cho rằng việc thị trường tạo đáy là (1) sự phục hồi của chứng khoán thế giới và Việt Nam tương quan cao trong thời gian qua, cũng sẽ phục hồi (2) các tín hiệu phân kỳ theo phân tích kỹ thuật. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng mức độ tin cậy của hai dấu hiệu này vẫn khá thấp.

Theo Nhịp sống kinh tế Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.mastertraders.vn

Comments


bottom of page