Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường địa ốc đã chạm đáy và bắt đầu chuyển dịch theo chiều hướng đi lên. Liệu đây có phải là cơ hội cho nhà đầu tư xuống tiền?
Không ít chuyên gia đều chung nhận định rằng, thị trường bất động sản đã chạm đáy và đang có tín hiệu đi lên. Dù sức bật không quá lớn song nếu nhìn vào điểm đầu tư, đây là cơ hội cho những “cá mập”, thậm chí là với nhà đầu tư tay ngang xuống tiền.
Ở góc độ của giới đầu tư, tâm lý phân vân vẫn còn hiện rõ. Mặc dù, thanh khoản trên thị trường thứ cấp đã tăng. Động thái của những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đang vào hàng xuất hiện rõ nét song nhìn chung, lo ngại về diễn biến khó đảo mạnh khiến giới đầu tư cân nhắc cẩn trọng.
Anh Trần Trọng Minh tự nhận mình là nhà đầu tư tay ngang cho rằng: Chỉ có lượng rất nhỏ nhà đầu tư “săn hàng”. Thực tế, phần lớn các nhà đầu tư, đặc biệt nhóm sử dụng đòn bẩy đều trong trạng thái “kẹt hàng” hoặc chật vật chờ tín hiệu tươi sáng.
“Nếu có sẵn tiền, nhà đầu tư nào cũng sẽ mua thêm bất động sản. Chỉ cần “hàng đẹp”, giá hợp lý, họ sẽ vào tiền. Nhưng trái với giai đoạn trước, chỉ cần bỏ 30% vốn đã xuống tiền mua, số còn lại vay ngân hàng thì giờ đây, họ giảm tỷ lệ rủi ro bằng việc sử dụng vốn tự có 100%. Lượng nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ 10-30-50% sẽ thấp trừ khi họ ước tính được dòng tiền có thể xuất hiện đều đặn. Như vậy, đồng vốn sử dụng đổ vào bất động sản sẽ tăng. Danh mục sản phẩm không còn gia tăng mạnh khi đòn bẩy tài chính bị hạn chế. Nếu tính ra, lượng bất động sản đẹp trên thị trường thứ cấp, giá đẹp cũng chỉ hấp thụ một lượng nhất định. Do nhà đầu tư cẩn trọng.
Thứ hai, lượng nhà đầu tư kẹt hàng quá lớn. Họ còn đang chờ đẩy hàng thì tất nhiên, khó có sức để săn hàng tiếp”.
Trên góc nhìn nhận khác, chị Phạm Dung (nhà đầu tư ở Bắc Ninh) cho rằng: “Mỗi một khu vực có diễn biến khác nhau. Chưa kể, diễn biến chung của toàn thị trường chưa khả quan. Cảm quan của nhà đầu tư lo ngại về kinh tế khó khăn, chật vật nên việc đổ tiền vào đầu tư rất cân nhắc”.
Cũng bởi tâm lý này mà chị Dung hiện tại chỉ “gom” lô đất nền ở khu vực đông dân cư. Nhà đầu tư tay ngang này tính toán đến phương án lâu dài trong vòng 5 năm khi hoàn thiện phần thô, đưa công trình cho thuê kho xưởng hoặc cải tạo làm mặt bằng kinh doanh.
“Bây giờ lướt sóng chắc chắn khó. Nếu có thì cũng rất may mắn, nên với tôi, bỏ tiền ra mua gì phải tự hỏi: Sau này dùng làm gì? Ví dụ như cho thuê, hoặc kinh doanh gì hoặc dân xung quanh có muốn thuê ở trọ hay không? Nếu xác định bất động sản đáp ứng được nhu cầu tương lai đó thì mới mua. Tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư: Biết đáy nhưng không muốn bắt vì 3 không: Không có tiền để vào hoặc duy trì gốc lãi, không chắc chắn khi nào có lời, không lường trước rủi ro ở thời điểm hiện tại”, chị Dung nói.
“Thế nên, cơ hội đầu tư hay không phụ thuộc vào sự nhận định chủ quan rất lớn của những người muốn bỏ tiền vào bất động sản”, chị Dung nhấn mạnh thêm.
Theo Nhịp sống thị trường
Comments