Bất động sản văn phòng đang thực sự đối mặt với “khủng hoảng thừa”, bởi nhu cầu giảm do nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, phải giảm quy mô, trả mặt bằng, đóng bớt chi nhánh…
Theo đánh giá của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường đã bắt đầu có hiện tượng “ế” mặt bằng cho thuê, đặc biệt là các căn nhà phố riêng lẻ. Cùng với các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, nguy cơ “dư cung” tạm thời rất dễ xảy ra với phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ cho thuê.
Trong tình cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng liên tục báo lỗ, thậm chí phải đóng cửa, rút khỏi thị trường - trong khi đó, nguồn cung lại tăng.
Nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ của các doanh nghiệp nội địa sụt giảm. Nhiều mặt bằng đắc địa tại tuyến phố lớn bỏ trống, đồng loạt treo biển bán, tìm khách thuê. Trong đó, các lĩnh vực như thời trang, nhà hàng, kinh doanh xe… có tỉ lệ trả mặt bằng cao hơn nhóm kinh doanh hàng hóa thiết yếu.
Một điểm sáng hiếm hoi trong phân khúc bất động sản thương mại là tại các trung tâm thương mại có vị trí đắc địa, các nhà phố/shophouse thuộc dự án vẫn giữ vững phong độ. Một số trung tâm thương mại chủ động đóng cửa để cải tạo, nâng cấp. Thay đổi này là tín hiệu đáng mừng của thị trường trong bối cảnh khách hàng ngày càng có yêu cầu khắt khe trong việc lựa chọn.
Theo khảo sát của VARS, tại Hà Nội, giá chào thuê văn phòng hạng A dao động từ 25-50 USD/m2/tháng, phí dịch vụ từ 4-8 USD/m2/tháng. Mức giá đối với tòa nhà hạng B dao động từ 12-28 USD/m2/tháng tùy khu vực. Ở TP Hồ Chí Minh, giá thuê văn phòng hạng A dao động từ 35 - 70 USD/m2/tháng, với văn phòng hạng B là 20 - 35 USD/m2/tháng.
VARS cũng dự báo, giá thuê sẽ bắt đầu xu hướng giảm do nguồn cung mới tăng. Trong 2 năm tới, nguồn cung dự kiến được bổ sung thêm 333.387m2 diện tích văn phòng Hạng A và B.
Cân nhắc chuyển đổi công năng sử dụng
“Các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn ở hiện tại là điều dễ hiểu, đó là tình hình chung của nền kinh tế. Thị trường bất động sản văn phòng ở các thành phố lớn có thể phục hồi khi kinh tế đất nước phục hồi, các doanh nghiệp cũng phục hồi trở lại.
Hiện tại, việc giảm bớt các khoản chi phí là ưu tiên hàng đầu để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn” - ông Lê Ngọc Chinh - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản GoldenLand - phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, tùy đặc thù từng lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp có thể để một số lượng nhân viên làm việc tại nhà và thuê mặt bằng, trụ sở hoạt động có chi phí thấp hơn, tận dụng lợi thế của bùng nổ E-commerce. Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã triển khai những biện pháp cứng rắn để kiểm soát nguy cơ thất thu thuế.
Bên cạnh đó, thói quen làm việc tại nhà từng được nhiều nhân sự duy trì trong thời kỳ đại dịch và đã trở thành một xu hướng mới ở nhiều nước trên thế giới khi các doanh nghiệp ở nước ngoài cũng đang vật lộn với chi phí. Mỗi nhân sự phải cân bằng giữa công việc, gia đình, quan hệ xã hội và đặc biệt là tính linh hoạt trong công việc.
“Dưới góc độ bất động sản, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã xem xét, dần chuyển đổi nhiều tòa nhà văn phòng sang nhà ở. Đây có thể là bước đi để các cơ quan Nhà nước có thể cân nhắc bởi nhu cầu về nhà của người dân ở các thành phố lớn vẫn rất cao” - ông Chinh nói thêm.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Công ty Luật TNHH Thái Hà) đánh giá, rất nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua đã phải trả lại mặt bằng văn phòng, kho bãi do chi phí thuê cao và sức mua phục hồi chậm. Việc chuyển đổi công năng tòa nhà văn phòng sang nhà ở có thể là một ý kiến phù hợp, tuy nhiên đòi hỏi nhiều thời gian và rất phức tạp.
“Việc chuyển đổi công năng khu văn phòng phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, tránh ảnh hưởng đến quy hoạch, kết cấu xây dựng cũng như cân nhắc thật kỹ các hệ quả kéo theo như áp lực lên hạ tầng, bệnh viện, trường học” - ông Hải nhận định.
Theo Lao động
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comments