top of page

'Tắc' dự án bất động sản: Địa phương hỏi Bộ, Bộ không trả lời...

Ảnh của tác giả: Nam CaoNam Cao

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết: “Không địa phương nào dám ký bởi nếu ký không sai luật này sẽ sai luật khác, hoặc ký vào chỗ không có quy định nào trong luật. Vì vậy, để an toàn nên người ta không ký. Thậm chí, địa phương hỏi lên Bộ nhưng (Bộ) không trả lời".


"Tắc" hàng trăm dự án?

Theo ông Võ, hiện các dự án bất động sản không chỉ của Tập đoàn Novaland mà với nhiều doanh nghiệp, địa phương khác đều gặp vướng mắc về pháp lý. Nguyên nhân bởi quy định mỗi luật một khác và xung đột pháp luật nhiều, thậm chí khoảng trống trong Luật Đất đai 2013 lớn.


“Không địa phương nào dám ký bởi nếu ký không sai luật này sẽ sai luật khác, hoặc ký vào chỗ không có quy định nào trong luật. Vì vậy, để an toàn nên người ta không ký. Thậm chí, địa phương hỏi lên Bộ nhưng (Bộ) không trả lời”, ông Võ nói.


Vướng mắc về pháp lý bất động sản xảy ra nhiều địa phương (Ảnh: Như Ý).


Với việc thành lập tổ công tác gỡ vướng cho dự án của Tập đoàn Novaland và 2 khu đô thị Đại Phước, Khu đô thị du lịch Long Tân Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) tại Đồng Nai; ông Võ cho rằng, tổ công tác có thể gỡ được vài dự án nếu như các dự án không “vênh” nhiều với luật. Tuy nhiên, ông Võ cho rằng, vấn đề pháp lý dự án xảy ra chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM lên tới hàng trăm dự án.


Theo ông Võ, riêng vấn đề tiền sử dụng tại các dự án rất nan giải. Cụ thể, các dự án đã giao đất nhiều năm nhưng chưa thu tiền sử dụng đất. “Giờ không ai dám gỡ về giá, giá chênh 1m2 nhân lên rất lớn. Không ai dám duyệt giá cũ”, ông Võ nói.

Do vậy, để giải bài toán pháp lý, Chính phủ nên rà soát tất cả các dự án và phân loại vướng mắc. Cụ thể, các dự án đang ách tắc về giá đất, chưa giao đất, thu hồi đất... Sau đó Chính phủ dự thảo Nghị quyết Quốc hội cho phép phê duyệt các dự án cụ thể. Quốc hội có thông qua, địa phương mới dám ký.


Thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm 2023

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - nhận định, từ quý IV/2023, đà phục hồi của thị trường bất động sản sẽ rõ nét hơn. Đây cũng là thời điểm những chính sách gỡ vướng cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu phát huy hiệu quả lớn hơn.


Ông Lực nhấn mạnh chưa bao giờ trong một tháng, Chính phủ đưa ra bốn quyết sách vô cùng quan trọng với thị trường. Đó là Nghị định 08 ngày 5/3/2023 về tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp bất động sản được đáo hạn trái phiếu, làm cơ sở pháp lý để doanh nghiệp đã và đang đàm phán cùng.


Nghị quyết 33 ban hành ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Ông Lực đánh giá nghị quyết này cực kỳ toàn diện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường trong cả ba nhóm vấn đề về pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội.


Đề án 338 ngày 3/4/2023 về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Đề án này là cơ sở pháp lý vững chắc để doanh nghiệp và địa phương phát triển nhà ở xã hội.


Nghị định số 10 ngày 3/4/2023 hướng dẫn Luật đất đai, bổ sung quy định về cấp quyền sở hữu cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.


Trên cơ sở đó, các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng cũng bắt đầu nhúc nhích rà soát lại các dự án vướng mắc để tháo gỡ.


Ông Lực khẳng định, chưa bao giờ chúng ta có cơ hội cùng lúc sửa đổi các luật liên quan đến thị trường bất động sản như Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai và Luật tổ chức tín dụng.

"Như vậy những điểm nghẽn về pháp lý cơ bản đã được tháo gỡ", ông Lực nhấn mạnh.


Theo Cafef



Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn

Kommentare


bottom of page