Việc chủ đầu tư dự án chung cư Nguyễn Quyền (Bình Tân) không đóng tiền điện khiến hơn 150 hộ dân trong chung cư này bị cúp điện, theo những gì tôi được biết, là chuyện đã được dự liệu hơn 10 năm về trước.
Thế nên khi thực tế xảy ra, tôi cứ băn khoăn mãi chuyện ai bảo vệ người mua nhà chung cư?
Ngay từ khi mới xây dựng, Công ty TNHH Nguyễn Quyền (chủ đầu tư chung cư) đã có nhiều sai phạm từ thủ tục giao đất xây dựng, nợ tiền sử dụng đất đến xây dựng sai thiết kế, sai phép, thiếu hệ thống phòng chống cháy nổ, thoát nạn.
Đến nay những sai phạm này chưa được khắc phục và tất cả xử phạt cũng chỉ đang ở mức xử phạt hành chính.
Chuyện lạ về chốn an cư
Tình trạng chủ đầu tư xây dựng chung cư vi phạm nghiêm trọng mà chính quyền không thể xử lý không hiếm trên địa bàn TP.HCM.
Chung cư Nguyễn Quyền đã từng bị UBND quận Bình Tân tạm đình chỉ hoạt động để chủ đầu tư khắc phục vi phạm nhưng không thực hiện được khi đã có hơn 150 hộ dân đến ở, sinh hoạt.
Ngược lại, chủ đầu tư còn mặc cả: cho xây thêm một dự án nữa thì mới khắc phục những sai phạm của dự án cũ, tất nhiên điều kiện "không giống ai" này không được đáp ứng.
Một câu chuyện khác, cư dân chung cư Khang Gia Chánh Hưng (phường 4, quận 8) cũng khổ sở vì dự án chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, ngăn tầng thương mại thành căn hộ. Tuy nhiên, khi chính quyền phát hiện ra sai phạm thì người dân đã nhận căn hộ và dọn nhà đến ở. Chung cư không được thành lập ban quản trị vì chưa được nghiệm thu.
Trên địa bàn TP.HCM, chủ đầu tư dự án này (Công ty CP đầu tư phát triển địa ốc Khang Gia) đầu tư xây dựng ba chung cư thì cả ba đều có những vi phạm tương tự. Những quyết định xử phạt của chính quyền như tạm đình chỉ hoạt động hay tháo dỡ phần vi phạm chỉ nằm trên giấy bởi việc thực hiện ảnh hưởng đến các hộ dân đã sinh sống trong đó.
Đáng nói, khi mua căn hộ người dân không hề được biết tình trạng pháp lý thật và những sai phạm của dự án. Kể cả khi nhận bàn giao căn hộ, khách hàng cũng không hề được cảnh báo các điều kiện pháp lý đầy đủ.
Vậy, dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư mà cũng có khách hàng đặt cọc là sao? Hỏi ra mới biết, họ đặt cọc mua nhà từ "tin nội bộ", gọi là được "mua giá gốc" vì sợ đợi lúc chủ đầu tư công khai bán thì giá đã lên rất cao.
Vừa qua, khi danh sách các dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề xuất không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại được công khai, không ít người đã ôm đầu than vãn vì lỡ đặt cọc rồi.
Thật sự khách hàng không hề hay biết tình trạng pháp lý của dự án, chỉ nghe môi giới tư vấn và mời mua nên giờ không biết "níu áo" ai để đòi bồi thường vì không có hợp đồng môi giới.
Có hy vọng nào không?
Chợt nhớ cách đây ít lâu, khi dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản được đưa ra thảo luận, đã có nhiều ý kiến không muốn có quy định bắt buộc kinh doanh bất động sản phải qua sàn giao dịch. Các chủ đầu tư viện lý do quy định này làm tốn thêm chi phí khiến giá thành bất động sản tăng cao... Tuy nhiên, thực tế chứng minh ngược lại.
Chính vì giao dịch căn hộ, nền đất không qua sàn, không hình thành chợ bất động sản nên người bán có cơ hội đẩy giá lên cao tạo thành sốt ảo, người mua chọn phải những căn hộ có nhiều khiếm khuyết như các dự án trên, hoặc mua cả những sản phẩm của các dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Thị trường bất động sản Việt Nam cũng vì lý do lớn này mà trở nên méo mó, thiếu bền vững, dễ sụp đổ.
Với khách hàng, họ cũng không thể bắt đền ai vì tất cả những tư vấn của môi giới đều bằng miệng, không có hợp đồng và không một đơn vị nào chịu trách nhiệm.
Trong đó, người mua cuối cùng là nạn nhân cho tất cả những chiêu trò của "cò", môi giới, của các chủ đầu tư không đàng hoàng.
Tham khảo cách điều hành thị trường bất động sản của một số nước thì việc giao dịch qua sàn gần như là nguyên tắc tiên quyết để nhà nước kiểm soát. Ở một số nước, sinh viên đi thuê phòng trọ cũng phải qua sàn giao dịch chứ đừng nói là mua bán một căn hộ hay bán đất.
Tất nhiên, cả bên cho thuê, bên thuê, bên mua, bên bán đều phải trả tiền phí môi giới. Nhưng bù lại họ sẽ được mua - bán giá đúng, không bị ép bán quá thấp hay mua quá cao, những rủi ro pháp lý có người đứng ra chịu trách nhiệm bằng hợp đồng.
Các đơn vị môi giới sai thông tin ngoài bồi thường thiệt hại cho khách hàng còn bị pháp luật xử lý. Tất nhiên, trách nhiệm của các đơn vị môi giới cũng phải được hoàn thiện khi họ phải tư vấn trung thực, đúng sự thật chứ không phải chỉ là những lời hoa mỹ để khách sớm "chốt" hợp đồng.
Để ràng buộc trách nhiệm của các sàn giao dịch bất động sản, ngoài việc xử phạt, cấm kinh doanh đối với những cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức môi giới còn buộc phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng nếu tư vấn sai.
Để tăng uy tín, thể hiện sự chuyên nghiệp thì các sàn giao dịch bất động sản cũng có thể mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp giống như nghề công chứng…
Lấy khách hàng làm... con tin Các căn hộ ở những dự án chưa chuẩn về pháp lý thường xuyên đổi chủ dù chưa được cấp giấy hồng. Chủ căn hộ cũ chán nản với những khiếm khuyết trầm trọng không được khắc phục của chung cư, họ tìm cách bán nhà cho người khác để rời đi. Người mới mua nhà khi biết tường tận tình trạng của căn hộ thì đã muộn nên tìm cách bán lại cho người khác... Và tréo ngoe thay khi đã xui xẻo thành nạn nhân, những cư dân cũ và mới còn vô tình trở thành "con tin" để chủ đầu tư đối phó với biện pháp xử lý của chính quyền, không khắc phục sai phạm và cũng không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán nhà.
Theo Tuổi trẻ Online
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comments