Ngày 01/01/2025 là thời điểm áp dụng nhiều quy định mới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Dưới đây là 09 Luật mới đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2025 như sau:
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Quốc hội, số 36/2024/QH15
Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó, có nhiều quy định nổi bật như: giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm, mỗi lần vi phạm giao thông tùy theo trường hợp sẽ bị trừ điểm; Bằng lái A1 chỉ được chạy xe đến 125 phân phối; Thay đổi thời gian bật đèn xe;...
Đáng chú ý là Điều 58 Luật này quy định giấy phép lái xe có 12 điểm. Nếu vi phạm sẽ bị trừ điểm tương ứng với tính chất và mức độ vi phạm.
Nếu giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, lái xe sẽ không được điều khiển xe tương ứng giấy phép đó tham gia giao thông. Đồng thời, phải sau ít nhất 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, lái xe phải tham gia sát hạch để phục hồi đủ 12 điểm…
Luật Đường bộ của Quốc hội, số 35/2024/QH15
Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ 2024. Quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Một số nội dung quy định mới của Luật Đường bộ 2024 như: Bổ sung mới loại “đường thôn” thuộc đường giao thông nông thôn vào hệ thống đường bộ, do địa phương quản lý; Quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho các loại xe điện; Thanh toán điện tử giao thông đường bộ;...
Trong đó, khoản 9 Điều 56 Luật Đường bộ 2024 cho phép xe taxi dưới dạng xe hợp đồng dưới 09 chỗ được gom khách lẻ đi chung xe, tiền cước tính theo đồng hồ hoặc qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản của Quốc hội, số 37/2024/QH15
Ngày 27/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024, trong đó có quy định các tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá.
Một trong những quy định mới tại Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024 là đấu giá trực tuyến từ ngày 01/01/2025; Quy định mới về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước trong đấu giá; Sửa đổi quy định trường hợp đấu giá tài sản không thành;...
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật sửa đổi Luật Đấu giá năm 2024 là bổ sung thủ tục đấu giá online. Cụ thể, tại khoản 28 Điều 1 Luật sửa đổi 2024, việc đấu giá trực tuyến được thực hiện tại Cổng đấu giá tài sản quốc gia/trang thông tin đấu giá online.
Các bước thực hiện gồm:
Bước 1: Thông báo công khai
Bước 2: Người tham gia đăng ký, nộp hồ sơ tham gia, thực hiện đấu giá, nộp tiền đặt trước, xem tài sản đấu giá…
Bước 3: Phân công đấu giá viên điều hành
Bước 4: Đăng kết quả đấu giá công khai trên trang web trên và gửi mail cho người tham gia đấu giá.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Quốc hội, số 42/2024/QH15
Ngày 29/6/2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024).
Những điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024: Bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ; Lực lượng chức năng được phép nổ súng vào flycam mà không cần cảnh báo trước; Bổ sung thêm các loại vũ khí quân dụng;...
Theo đó, khoản 4 ĐIều 2 Luật này đã bổ sung dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ là vũ khí thô sơ trừ trường hợp được coi là vũ khí quân dụng…
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân của Quốc hội, số 34/2024/QH15
Ngày 24/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, gồm 09 chương, 152 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Các điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 là: Đổi mới tổ chức của Tòa án nhân dân; Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa triệu tập; Chế độ, chính sách với Thẩm phán từ ngày 01/01/2025;...
Trong đó, Thẩm phán được bổ nhiệm lại sẽ có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu. Nội dung này được đề cập đến tại Điều 15 của Luật.
Cụ thể, nhiệm kỳ của lần bổ nhiệm đầu tiên của Thẩm phán Tòa án nhân dân là 05 năm kể từ ngày bổ nhiệm.
Khi bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ sẽ kéo dài đến khi nghỉ hưu hoặc khi chuyển công tác. Trong trường hợp này, Thẩm phán không phải thi tuyển mà được xếp vòa bậc tương ứng.
Nếu không đủ điều kiện để được bổ nhiệm lại thì sẽ được điều động làm nhiệm vụ khác trong hệ thống Tòa án.
Luật Thủ đô của Quốc hội, số 39/2024/QH15
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô 2024, thay thế cho Luật Thủ đô 2012.
Luật Thủ đô 2024 quy định thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.
Ngoài ra, Luật Thủ đô 2024 cũng quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức tại Thành phố Hà Nội; Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD); Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào khu vực trung tâm để giảm ùn tắc giao thông;...
Theo đó, tại Điều 11 Luật này bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố mà Luật cũ không đề cập đến và hiện nay mới chỉ xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh, áp dụng với thành phố Thủ Đức.
Khi đó, Hội đồng nhân dân thành phố thuộc thành phố tại TP. Hà Nội sẽ có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và có tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách không quá 09 người.
Đồng thời, đại biểu chuyên trách Hội đồng nhân dân của TP. Hà Nội sẽ tăng từ 95 đại biểu lên 125 đại biểu, chiếm ít nhất 25% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ của Quốc hội, số 40/2024/QH15
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh vệ sửa đổi 2024.
Trong đó, Luật Cảnh vệ sửa đổi 2024 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định mới như: Bổ sung thêm chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào diện đối tượng cảnh vệ; Bổ sung biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bổ sung quy định Giấy bảo vệ đặc biệt;...
Theo đó, khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi đã bổ sung quy định về biện pháp cảnh vệ với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Cụ thể:
- Với người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước: Bảo vệ tiếp cận; vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; sử dụng thẻ và phù hiệu…
- Với cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước: Bảo vệ tiếp cận; Sử dụng thẻ, phù hiệu…
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự của Quốc hội, số 25/2023/QH15
Ngày 24/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Theo đó, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Công trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do Quân đội nhân dân, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự.
Khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh thường trú trong phạm vi bị tác động bởi hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo Điều 26 Luật gồm về giáo dục, y tế, lao động, việc làm, sản xuất, kinh doanh và chính sách an sinh xã hội.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính, số 56/2024/QH15
Luật sửa 9 Luật 2024, số 56/2024/QH15 có một số nội dung mới như:- Bổ sung, quy định cụ thể về khái niệm thao túng thị trường chứng khoán; quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chào bán chứng khoán riêng lẻ…
- Đơn giản nội dung chứng từ, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với người làm kế toán;
- Quy định những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán, không được tiếp tục hành nghề kiểm toán; xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập, nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập;...
Hiền Trần
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comments