1. Tỷ giá giảm mạnh, Kho bạc Nhà nước mua thêm 100 triệu USD từ ngân hàng thương mại
Ngày 11/09/2024, Kho bạc Nhà nước thông báo mua 100 triệu USD từ ngân hàng thương mại với giao dịch thực hiện ngày 12/09 và thanh toán vào 16/09. Đây là đợt mua ngoại tệ thứ 3 trong năm, sau các đợt vào 22/05 và 06/09. Tổng số tiền chi cho giao dịch lần này khoảng 2,340 tỷ đồng.
Việc mua ngoại tệ diễn ra khi tỷ giá USD giảm trên nhiều thị trường trước cuộc họp của Fed vào 17-18/09. Sáng 12/09, tỷ giá trung tâm là 24,187 VND/USD, giảm so với trước, và USD-Index tăng nhẹ. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng giảm hơn 2% kể từ tháng 8.
Theo ông Phạm Như Ánh từ Ngân hàng Quân đội, tỷ giá giảm nhờ động thái của Fed giúp giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ các nhà sản xuất, nhập khẩu. Điều này cũng giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, tỷ giá có thể tăng nhẹ vào cuối năm nhưng vẫn ổn định do nguồn cung ngoại tệ tốt. Ông Suan Teck Kin từ UOB dự báo VND sẽ tiếp tục tăng giá và có thể đạt mức 24,100 VND/USD vào quý 2/2025.
2. Khu kinh tế rộng bằng nội thành Hà Nội, có hàng loạt khu công nghiệp, cảng biển và sẽ có sân bay riêng
Từ một địa phương chỉ thu hút được những doanh nghiệp nhỏ đầu tư vào lĩnh vực dệt may, cơ khí thì nay Thái Bình đã thu hút được nhiều dự án có quy mô khá lớn thuộc lĩnh vực điện, điện tử, trang thiết bị y tế, ô tô... có công nghệ tiên tiến. Sự xuất hiện những dự án của các nhà đầu tư có tên tuổi hàng đầu thế giới như Pegavision, Lotes, Compal, Greenworks, VSIP, Tokyo gas, Kyuden... tại khu kinh tế đã đưa Thái Bình vào bản đồ điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam liên tục trong 3 năm qua.
Mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình sẽ hoàn thiện tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng khu kinh tế, phấn đấu mỗi năm thu hút vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD; giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 60 - 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Đáng chú ý, theo quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Bình sẽ có sân bay chuyên dụng ven biển. Sân bay này sẽ được đặt tại huyện Tiền Hải và thuộc Khu kinh tế Thái Bình. Dự kiến, sau năm 2030, khi hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình, sân bay sẽ được xây dựng. Đồng thời, hình thành khu cụm cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ du lịch, cứu hộ, cứu nạn, an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển tỉnh Thái Bình. Cụm cảng hàng không này gồm các điểm đáp trực thăng, các bãi đáp thủy phi cơ ven biển.
3. Dự định ngành chăn nuôi còn khó khăn
Doanh nghiệp cho biết năm 2024, tình hình hoạt động kinh doanh ngành chăn nuôi càng gặp nhiều khó khăn, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc trong chăn nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, làm giá nguyên vật liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao, các loại vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất tăng theo, chi phí thuốc thú y để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc tăng cao hơn trước.
Bên cạnh đó, khâu tiêu thụ giá cả biến động liên tục, từ đầu tháng 7/2024 giá tiêu thụ heo thịt có tăng lên, tuy nhiên hiện nay giá bán đang có xu hướng giảm làm giảm lợi nhuận các tháng tiếp theo.
4. Sắp có thêm chung cư cao tầng quy mô gần 18.000 người tại quận Ba Đình (Hà Nội)
UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, TP Hà Nội) vừa công bố Quy hoạch chi tiết khu vực cải tạo, tái thiết, xây dựng lại khu chung cư Ngọc Khánh và phụ cận, tỷ lệ 1/500.
Khu vực lập quy hoạch rộng 24,08 ha, thuộc địa phận phường Ngọc Khánh. Phía Tây khu vực giáp đường Nguyễn Chí Thanh, phía Bắc giáp đường Kim Mã, phía Đông giáp đường Ngọc Khánh, phía Nam giáp đường Nguyễn Công Hoan. Tổng dân số trong khu vực quy hoạch là 17.800 người.
Hiện nay, khu vực này có hiệu quả sử dụng đất thấp, mật độ xây dựng cao, chưa tận dụng được lợi thế khu vực gần các đầu nút giao thông lớn; thiếu hạ tầng cây xanh, bãi đỗ xe; hạ tầng giao thông phức tạp, nhiều cấp đường giao thông.
Mục tiêu của quy hoạch là đáp ứng mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm). Dự kiến đến quý IV/2024, đồ án quy hoạch chi tiết tổng thể khu Ngọc Khánh cùng 2 khu khác thuộc quận Ba Đình là Giảng Võ và Thành Công sẽ hoàn thành và được UBND TP. Hà Nội duyệt. Ngay sau khi được phê duyệt, quận sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án.
Theo Finverse Global Team tổng hợp
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comments