top of page
Ảnh của tác giảHoàng Mai Thảo

Tin tổng hợp quốc tế ngày 5/8


Bình Nhưỡng chỉ trích Mỹ viện trợ quân sự cho Đài Loan.
Bình Nhưỡng chỉ trích Mỹ viện trợ quân sự cho Đài Loan.

(Reuters) - Bình Nhưỡng chỉ trích Mỹ viện trợ quân sự cho Đài Loan. Trong một bài viết của một quan chức Bắc Triều Tiên được đăng trên KCNA ngày 04/08/2023, Mỹ bị cáo buộc là biến Đài Loan thành « một điểm mồi lửa chiến tranh khác ». Quan chức này cho rằng kế hoạch của Mỹ là « một hành động chính trị và quân sự nguy hiểm »« can thiệp rõ ràng » nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất. Gói viện trợ quân sự 345 triệu đô la được Washington công bố hôm 28/07 nằm trong gói viện trợ vũ khí trị giá tới 1 tỉ đô la cho Đài Loan lấy từ ngân sách năm 2023 về Đẩy nhanh Viện trợ An ninh (PDA).


(AFP) - Pháp : Nhà nước đầu tư 1,5 tỉ euro vào nhà máy sản xuất pin của Đài Loan ở Dunkerque. Thông tin được ông Gilles Normand, chủ tịch Prologium Europe, xác nhận với AFP ngày 03/08/2023. Khoản đầu tư của Nhà nước Pháp, được Liên Hiệp Châu Âu bật đèn xanh, « sẽ giúp tăng cường phương tiện nghiên cứu và sáng tạo ». Dự án có tổng trị giá khoảng 5,2 tỉ euro, tạo khoảng 3.000 việc làm tại nhà máy và khoảng 12.000 việc làm gián tiếp trong vùng. Nhà máy ở thành phố cảng Dunkerque, tỉnh Bắc của Pháp, dự kiến mở cửa vào năm 2026, sẽ sản xuất pin cho khoảng 500.000 đến 700.000 ô tô điện.


(Reuters) - Giải Vô Địch Bóng Đá Nữ Thế Giới tại Úc và New Zealand, sẽ đạt kỷ lục về lượng khán giả. Trong cuộc họp báo ngày 04/08/2023, Giám đốc điều hành Liên Đoàn Bóng Đá Úc James Johnson khẳng định là giải đấu đang diễn ra được nhiều người theo dõi nhất từ ​​trước đến nay và đang trên đường phá vỡ kỷ lục về số khán giả cho mỗi trận đấu được thiết lập tại Canada vào năm 2015. Theo ông Johnson, trận vòng bảng vừa kết thúc, đã có hơn 1,2 triệu người hâm mộ đã đi vào xem tại các sân vận động, và con số này hoàn toàn có thể lên đến mức 1,9 triệu khán giả trên sân vào cuối giải đấu vào ngày 20 tháng 8.


(AP) - Mỹ có thể bố trí lính trên tàu thương mại ở eo biển Hormuz để ngăn không cho Iran chặn bắt. Theo một số quan chức Mỹ ngày 03/08/2023, Hoa Kỳ đang cân nhắc việc bố trí lực lượng võ trang trên các tàu thương mại đi qua eo biển Hormuz. Nếu được thực hiện, đó sẽ là một hành động chưa từng thấy nhằm ngăn chặn việc Iran bắt giữ hay sách nhiễu các tàu dân sự đi qua eo biển. Từ năm 2019 đến nay, Iran đã nhiều lần bắt giữ các tàu chở dầu hay vận tải thương mại nhằm gây sức ép trên phương Tây trên vấn đề hạt nhân.

(RFI) - Tập đoàn France Medias Monde (FMM) phản đối Niger cắt sóng đài phát thanh RFI và đài truyền hình France 24. Trong thông cáo ngày 03/08/2023, tập đoàn FMM cho rằng quyết định cấm trên khiến người dân của khu vực này không được hưởng thông tin độc lập, tự do, có kiểm chứng. RFI có 7 trạm FM sóng ngắn ở Mali, phát các chương trình bằng tiếng Pháp, tiếng Haoussa và Fulfulde cũng như có thể truy cập qua vệ tinh. Trước đó, RFI và France 24 đã bị kiểm duyệt ở Mali và Burkina Faso.


(Reuters) - Mỹ chưa nhận được phản hồi từ Trung Quốc về lời mời ngoại trưởng Vương Nghị tới Washington. Hôm qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết như trên, đồng thời khẳng định « hy vọng tiếp tục các cuộc trao đổi quan trọng » như ở Bắc Kinh. Phát biểu của ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi bộ Ngoại Giao Mỹ hôm 01/08, chính thức gửi lời mời ông Vương Nghị. Hôm qua Bắc Kinh chỉ mới phản hồi với tuyên bố ngắn gọn « sẵn sàng duy trì liên lạc » với Mỹ về chuyến công du có thể của ông Vương Nghị.


(AFP) - Ba Lan bắt giữ thêm một người Belarus bị tình nghi làm gián điệp cho Matxcơva. Bộ Nội vụ Ba Lan hôm qua cho biết nghi phạm tên Mikhail A. « đã tham gia do thám một số cơ sở quân sự và hải cảng, và thực hiện các hoạt động tuyên truyền cho Nga ». Theo bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski, đây là người thứ 16 bị giam giữ liên quan đến mạng lưới gián điệp, bị cáo buộc tìm cách « làm trật bánh các chuyến tàu viện trợ cho Ukraine » cũng như « kích động tâm lý chống Ukraina, chống lại viện trợ của Ba Lan cho Ukraine ». Ba Lan yêu cầu Minsk chấm dứt khiêu khích dọc biên giới.


(AFP) - Diện tích rừng bị phá tại Amazon giảm gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu chính thức được chính phủ Brazil công bố hôm 03/08, 500 km2 rừng bị phá ở Amazon, mức thấp nhất kể từ năm 2017. Năm cuối cùng của nhiệm kỳ của cựu tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro, 1.487 km2 rừng bị phá vào tháng 7 năm 2022. Dữ liệu được công bố một tuần trước hội nghị 8 quốc gia thành viên tổ chức hợp tác bảo vệ Amazon (OTCA) tại Belem, phía bắc Brazil. « Việc phá rừng ở Amazon giảm trong tháng 7 là một dấu hiệu quan trọng cho thấy tình hình đang được kiểm soát trở lại », theo văn phòng Brazil của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).


Theo RFI


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn

Comentários


bottom of page