top of page

Tìm giá thật của bất động sản ở đâu?

Ảnh của tác giả: Hiền TrầnHiền Trần
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, giá bán bất động sản từ chủ đầu tư nhưng lại được cộng thêm một khoản tiền chênh không được ghi trong hợp đồng mua bán, bản chất là trốn thuế.


Nhà 2 giá vẫn phổ biến

Góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi tại Hội trường Quốc hội ngày 29/8, ông Lê Thanh Hoàn (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị xem xét bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về các giao dịch bất động sản diễn ra tại các sàn giao dịch bất động sản. Bởi vì, theo ông thực trạng hàng hóa bán theo hai giá đang diễn ra khá phổ biến.

"Từ mặt hàng xe máy, ô tô cho đến nhà ở không khó để chúng ta tìm kiếm trên mạng với giá bán của chủ đầu tư được đăng công khai. Nhưng để mua được theo giá niêm yết thì lại rất khó", ông Hoàn nêu.

Ông Hòa đặt câu hỏi, giá trị giao dịch thật của bất động sản do các doanh nghiệp rao bán ở đâu? Đó là các giá được đăng đầy rẫy trên mạng nhưng được "hô biến" thành các suất đối ngoại, suất nhượng lại, giá chủ đầu tư nhưng lại được cộng thêm một khoản tiền chênh không được ghi trong hợp đồng mua bán, bản chất là trốn thuế.


Ông Lê Thanh Hoàn - đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Quochoi.vn).
Ông Lê Thanh Hoàn - đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Quochoi.vn).

Về hành nghề môi giới bất động sản, ông Hoàn cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quan trọng để tiến tới sự minh bạch, thuận lợi của thị trường bất động sản. Bên cạnh những đội ngũ nghiêm túc thì cũng không khó để thấy hoạt động môi giới diễn ra rất nhiều hình thức phong phú, đa dạng mà không có sự kiểm soát.

"Hiện tượng người ta gọi là cò đất diễn ra tràn lan, ảnh hưởng đến hoạt động chân chính của những người hành nghề môi giới bất động sản. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng hoạt động chụp giật, kiếm lời, gài giá của một số bộ phận hành nghề môi giới đã gây thiệt hại cho khách hàng", ông Hoàn nêu.

Do đó, vị ĐBQH này cũng đề nghị cơ quan soạn thảo Luật này nghiên cứu bổ sung quy định thêm về các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản theo hướng quy định rõ các trường hợp nghiêm cấm.

Cụ thể là các trường hợp:

Có quyền lợi trực tiếp với bất động sản, loại trừ khoản hoa hồng được chiết khấu mà không tiết lộ quyền lợi đó đối với người mua bất động sản; xúi giục một bên vi phạm hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán để giao kết hợp đồng mới với người khác.

Tự ý tăng giá, gài giá bất động sản để trục lợi trái ý muốn với các bên tham gia giao dịch; tham gia môi giới để các bên ký kết hợp đồng nhưng không thông báo đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến bất động sản cho các bên tham gia giao dịch.

"Một số hành vi nghiêm cấm nêu trên để làm cơ sở xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản, tùy thuộc vào tính chất, hành vi vi phạm để có thể xem xét xử lý hành chính, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Hoàn nhấn mạnh.

Buộc giao dịch bất động sản qua sàn sẽ tạo đặc quyền, đặc lợi?

Trong văn bản góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đồng tình với quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Theo ông Châu, việc quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải qua sàn có thể dẫn đến tạo đặc quyền, đặc lợi cho các sàn giao dịch bất động sản và hạn chế quyền của các chủ đầu tư dự án bất động sản, không đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp theo quy định của Hiến pháp.


Chuyên gia lo ngại, việc buộc giao dịch bất động sản qua sàn sẽ tạo đặc quyền, đặc lợi (Ảnh minh họa: Hà Phong).
Chuyên gia lo ngại, việc buộc giao dịch bất động sản qua sàn sẽ tạo đặc quyền, đặc lợi (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Hơn nữa, theo Chủ tịch HoREA, hiện nay cả nước có hơn 300.000 nhân viên môi giới thì mới chỉ có khoảng 10% đã có chứng chỉ hành nghề môi giới. Ngoài ra, nhân viên môi giới chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học, trong khi đó, cả nước đang có khoảng 3.220 công chứng viên hành nghề tại các văn phòng công chứng là những người phải tốt nghiệp đại học ngành luật, được đào tạo và thi tuyển bài bản.

Ngoài ra, ông Châu cũng dẫn chứng, theo khảo thực tế tại các nước công nghiệp phát triển, điển hình là Hoa Kỳ thì pháp luật không quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua nhân viên môi, nhưng có đến 99% giao dịch bất động sản được các bên tự nguyện thực hiện thông qua văn phòng của nhân viên môi giới.

Về nội dung này, ông Lê Thanh Hoàn tán thành việc dự thảo luật đã bỏ quy định bắt buộc về việc mua bán thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Bởi lẽ, theo ông Hoàn, quy định bắt buộc thông qua sàn giao dịch bất động sản thực chất đã là yêu cầu của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 và đây cũng là một quy định đã được loại bỏ tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

"Với lý do tăng giao dịch trung gian, tăng chi phí, phụ thuộc vào sự độc quyền phân phối và chưa kể các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có thể tự thành lập các sàn trực thuộc mình để thực hiện các hoạt động kinh doanh bất động sản", ông Hoàn nêu.


Theo Dân trí


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn



Comments


bottom of page