Sức tiêu thụ loại hình nhà liền thổ vẫn bết bát ở cả thị trường sơ cấp (chủ đầu tư mở bán) và thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại), giảm 92% năm qua, thấp nhất trong 5 năm.
Theo báo cáo của DKRA Group, năm ngoái TP HCM và vùng phụ cận ghi nhận nguồn cung nhà liền thổ giảm mạnh. Cụ thể, năm 2023 thị trường đón nhận 907 căn thấp tầng đến từ 28 dự án mở bán, giảm 87% so với năm trước. Các địa phương có mức giảm sâu nhất là Đồng Nai, Long An và TP HCM với tỷ lệ giảm cung lần lượt là 91%, 94% và 95%.
Lượng tiêu thụ nhà thấp tầng phía Nam cũng ở mức rất thấp, giảm 92% so với năm 2022. Giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm sản phẩm có mức giá trung bình từ 1,9-2,4 tỷ đồng mỗi căn và tập trung chủ yếu trong giai đoạn 6 tháng đầu năm. Bình Dương là địa phương dẫn dắt cung - cầu phân khúc nhà thấp tầng phía Nam với 47% nguồn cung và 45% lượng tiêu thụ mới.
Báo cáo từ JLL Việt Nam cũng cho thấy, riêng thị trường TP HCM trong quý cuối năm ngoái chỉ có 37 căn nhà thấp tầng mở bán mới, tổng nguồn cung mới trong cả năm 2023 vỏn vẹn 180 căn, chạm mức thấp nhất 1 thập kỷ qua. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các chủ đầu tư trì hoãn giới thiệu dự án khi thanh khoản thị trường suy yếu, tâm lý thận trọng của người mua kéo dài. Một phần cũng do sự chậm trễ về thủ tục pháp lý, tiến độ xây dựng đối với các dự án đã được tiền mở bán, chưa thỏa điều kiện ký hợp đồng mua bán.
Cung thiếu nhưng sức cầu của thị trường nhà thấp tầng vẫn khá "bết bát". Quý IV/2023, TP HCM giao dịch được 58 căn, giảm hơn 74% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ nhà thấp tầng trong cả năm 2023 của thành phố đạt 30,9%, giảm 60% so với năm 2022.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc thị trường DKRA Group, cho biết từ quý III/2022 đến nay, toàn thị trường bất động sản đều đang mất thanh khoản, trong đó nhà thấp tầng do có giá trị lớn nên lượng giao dịch thành công ít. Giá cao, khó tiếp cận tín dụng chỉ là một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản nhà liền thổ giảm, bên cạnh tâm lý giữ tiền mặt, lo ngại thị trường bất động sản phục hồi chậm khiến nhà đầu tư không mạnh dạn tham gia loại hình này.
Ông Thắng dự báo, nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà thấp tầng dự kiến có cải thiện, với khoảng 1.200-1.500 sản phẩm triển khai ra thị trường năm nay, đa số tập trung tại các tỉnh Long An, Đồng Nai và Bình Dương, riêng TP HCM tiếp tục thiếu hụt dự án mới. Tình trạng thanh khoản kém có thể kéo dài đến giữa năm nay khi xu hướng phòng thủ "tiền mặt là vua" vẫn chiếm đa số. Các tài sản giá trị lớn khó bán hơn so với trước đây. Thị trường sẽ chỉ xuất hiện giao dịch bất động sản thấp tầng ở nhóm khách hàng có nhu cầu ở thật hoặc đầu tư tích lũy tài sản lâu dài bằng vốn tự có.
"Sức cầu chung của thị trường có thể khởi sắc gần cuối năm, trong đó, nhóm sản phẩm đã hoàn thiện pháp lý, dự án hoàn thiện hạ tầng, được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng", ông Thắng nhìn nhận.
Về mặt bằng giá bán, chuyên gia DKRA cho rằng với thị trường sơ cấp giá có thể sẽ không tăng mà duy trì ở mức ổn định nhưng đi kèm đó là các chính sách kích cầu, chiết khấu trực tiếp vào giá thành vẫn sẽ được nhiều chủ đầu tư áp dụng. Làn sóng giảm giá, cắt lỗ nhà thấp tầng ở thị trường thứ cấp sẽ hạ nhiệt nhưng với những giao dịch cần thoát hàng nhanh, có thể vẫn phải hạ giá nhưng tỷ lệ không còn mạnh như năm trước.
Theo VNExpress
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comments