top of page
Ảnh của tác giảNam Cao

Tiền ảo Pi xuất hiện trên gian hàng Shopee

Một gian hàng trên trang thương mại điện tử Shopee niêm yết giá hàng hóa bằng tiền ảo Pi bên cạnh tiền pháp định, dù hành vi này bị cấm.

Thu Hương, ở quận 7, TP HCM, cho biết đã mua một lọ nước tẩy trang và một lọ sữa rửa mặt trên Shopee với giá 750.000 đồng. Cô có thể chọn trả bằng 32 Pi. Trên một số nhóm mạng xã hội về Pi, một số người cũng nói đã đặt hàng thành công, thậm chí đã nhận được hàng.

Giao diện một số mặt hàng được niêm yết bằng tiền ảo Pi trên Shopee. Ảnh: Bảo Lâm


Liên hệ với cửa hàng, một nhân viên hướng dẫn cụ thể rằng người mua vẫn cần chuyển khoản bằng tiền pháp định. Sau khi nhận hàng, họ sẽ liên hệ lại với shop để nhận địa chỉ ví chuyển Pi. Cuối cùng, cửa hàng sẽ hoàn tiền cho khách.

"Nếu ở TP HCM, bạn có thể đến địa chỉ giao dịch trực tiếp. Chúng tôi đã kinh doanh 6 năm, không có chuyện lừa đảo", người này nói. Trong ảnh chụp màn hình được cửa hàng chia sẻ, đã có 107 đơn được đặt thành công bằng giao dịch Pi.

Trong khi đó, đại diện Shopee cho biết nền tảng hiện có 7 hình thức thanh toán hỗ trợ người dùng khi tham gia mua sắm. Tuy nhiên, tiền ảo Pi không nằm trong số đó. "Pi không phải là phương thức thanh toán được chấp nhận trên Shopee. Đối với hành vi vi phạm pháp luật cũng như chính sách đăng bán của sàn, chúng tôi có chế tài xử phạt theo quy định", đại diện nền tảng nói.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Shopee cho biết đã tiến hành rà soát. Toàn bộ mặt hàng trên cửa hàng cho thanh toán bằng Pi đã biến mất, còn tài khoản cũng đã bị khóa.

Theo quy định, việc mua bán hàng hóa bằng tiền ảo là vi phạm pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có một số cửa hàng nhận thanh toán bằng Pi. Để lách luật, người dùng Pi chỉ nhau cách sử dụng từ "trao đổi" thay cho "thanh toán", cũng như giao dịch bằng sự đồng thuận, tức chấp nhận đổi hàng hóa dựa trên một thứ được định giá chung. Trên mạng xã hội, một số giao dịch Pi đã diễn ra với mức đồng thuận khác nhau, ví dụ 3,14 USD mỗi Pi. Cách đây hai tuần, một khách sạn ở Phan Thiết cũng bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận yêu cầu dừng việc cho thanh toán phòng bằng Pi.

Pi Network xuất hiện từ 2019 và rộ lên tại Việt Nam đầu 2021. Ứng dụng nhiều lần bị các chuyên gia cảnh báo về sự thiếu tính minh bạch, có thể được tạo nhằm thu thập thông tin người dùng. Tiền ảo Pi hiện vẫn vô giá trị, còn trạng thái của dự án vẫn là "mainet kín", tức chưa thể giao dịch với các tiền số khác.


Comments


bottom of page