Chiều 30/11, giá vàng biến động trong biên độ hẹp và ở gần mức cao nhất gần bảy tháng qua tại châu Á, còn giá dầu ít biến động trong phiên chiều 30/11 ở châu Á, khi giới đầu tư chờ cuộc họp của OPEC+.
Giá vàng ở gần mức cao nhất gần 7 tháng
Chiều 30/11, giá vàng biến động trong biên độ hẹp và ở gần mức cao nhất gần bảy tháng qua tại châu Á, khi giới đầu tư chờ đợi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) để xem liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có hạ lãi suất sớm hơn dự đoán.
Vào lúc 14 giờ 28 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.044,30 USD/ounce, mức biên độ dao động khoảng 6 USD. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12 giảm 0,1% xuống 2.045,40 USD/ounce.
Chuyên gia phân tích thị trường Yeap Jun Rong của công ty IG cho rằng giá vàng “án binh” trong phiên hôm nay, trước khi số liệu PCE được công bố trong cùng ngày.
Theo ông, số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khả quan trong quý 3 của Mỹ không thể đẩy lùi những đồn đoán của thị trường về khả năng Fed hạ lãi suất, vì giới đầu tư vẫn đi theo manh mối từ những bình luận gần đây của các quan chức Fed.
Tuần này, các quan chức Fed đã nhắc đến khả năng hạ lãi suất trong những tháng tới, và dự đoán tăng trưởng sẽ giảm tốc và lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Những bình luận này đã kéo lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ xuống mức thấp nhất hai tháng rưỡi qua là 4,2470%.
Phiên này, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã xuống mức thấp nhất gần ba tháng qua, và sắp khép lại tháng 11 với mức giảm mạnh nhất trong một năm qua. Diễn biến này đã khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Thị trường dầu chờ cuộc họp của OPEC+
Giá dầu ít biến động trong phiên chiều 30/11 tại châu Á, khi giới đầu tư vẫn thận trọng trước khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, được dự đoán sẽ cắt giảm sản lượng.
Vào lúc 14 giờ 40 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 13 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 83,23 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 17 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 78,03 USD/thùng.
Cuộc họp của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 30/11. Các nguồn thạo tin cho hay các cuộc đàm phán trước cuộc họp đang tập trung vào việc cắt giảm sản lượng hơn nữa, dù các bên vẫn chưa đạt được đồng thuận cụ thể nào.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến giá dầu trong phiên này còn có số liệu cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 11, với mức giảm mạnh hơn dự đoán. Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo đã giảm từ 49,5 trong tháng Mười xuống 49,4 trong tháng 11, ở dưới ngưỡng 50 phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Với số liệu này, Trung Quốc cần có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ về mặt chính sách nữa để kích thích tăng trưởng kinh tế tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cho biết lượng dầu thô và nhiên liệu chưng cất dự trữ của Mỹ đã bất ngờ tăng lên trong tuần trước, cho thấy nhu cầu yếu. Lượng xăng dự trữ cũng tăng nhiều hơn dự đoán.
Các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trước đồn đoán về khả năng Fed hạ lãi suất
Các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên chiều 30/11, khi thị trường đang tập trung sự chú ý vào số liệu PCE của Mỹ sắp được công bố, giữa lúc những đồn đoán về khả năng Fed hạ lãi suất vào năm tới đang gia tăng.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,5% lên 33.486,89 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng đều ghi thêm 0,3% lên các mức lần lượt 3.029,67 điểm và 17.042,88 điểm.
Đà tăng cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney, Seoul, Wellington, Jakarta và Đài Bắc, trong khi các thị trường Singapore, Manila, Mumbai và Bangkok giảm điểm.
Thị trường đang chờ đợi số liệu PCE, công cụ đo lãi suất ưa thích của Fed, trong đó có nhiều dự đoán chỉ số này sẽ giảm xuống.
Chuyên gia Jeffrey Roach của công ty tài chính LPL Financial, nhận định lạm phát đang có xu hướng giảm, người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu nhưng với tốc độ chậm hơn, và Fed có thể kết thúc chu kỳ nâng lãi suất mà không gây ảnh hưởng quá nhiều đến nền kinh tế. Giới giao dịch hiện đang dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất trong nửa đầu năm sau.
Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland Loretta Mester ủng hộ dừng nâng lãi suất lần thứ ba tại cuộc họp tháng 12, trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic tin rằng lạm phát đang giảm xuống.
Trước đó trong tuần này, các quan chức Fed khác đã có những bình luận tương tự. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin cảnh báo nên giữ phương án nâng lãi suất một lần nữa nếu lạm phát tăng trở lại./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comments