top of page

Thị trường chứng khoán 22 năm: Thanh lọc thị trường như liều vaccine để phát triển bền vững

Ảnh của tác giả: Trang ĐặngTrang Đặng

Giống như giai đoạn 2006-2007, VN-Index phải mất hơn 10 năm mới có thể chinh phục lại ngưỡng 1.200 điểm, và mất 4 năm nữa để đạt đỉnh mới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng ta đang quay lại thời điểm của năm 2018, khi VN-Index mấp mé ở ngưỡng 1.200.

Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã được khai trương, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam và tổ chức phiên giao dịch lần thứ nhất vào ngày 28/7/2000, đánh dấu sự ra đời chính thức của TTCK Việt Nam.

Trải qua 22 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, có rất nhiều kỳ vọng và cả thất vọng. Đã có thời điểm là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới năm 2021. Lần đầu tiên, theo thống kê của WFE, tỷ suất vòng quay chứng khoán của thị trường Việt Nam năm 2021 đạt gần 173%, vượt qua mức 99,8% của thị trường Thái Lan. Vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE vào cuối năm 2021 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng với 46 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ đô, trong đó có 3 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ đô. Hơn 49.000 tỷ đồng đã được huy động thông qua thị trường chứng khoán, tăng hơn 5 lần so với năm 2020.

Số lượng tài khoản cá nhân mở mới tăng liên tục, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới gần 1,4 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 5 đạt hơn 5,65 triệu, tương đương hơn 5,7% dân số, vượt kế hoạch đặt ra theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025).

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong thời gian vừa qua, TTCK có sự phát triển nhanh về quy mô và tính thanh khoản, huy động được nguồn lực tài chính lớn để phát triển kinh tế. Quy mô TTCK đạt 92,1% GDP, quy mô thị trường trái phiếu là 38,45% GDP, trong đó quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 14,1% GDP.

Diễn biến VN-Index kể từ khi chính thức đi vào giao dịch (nguồn: Fireant)

Sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết như hiện tượng làm giá, thao túng giá cổ phiếu, hiện tượng doanh nghiệp cố tình lách các quy định của pháp luật để phát hành và giao dịch chứng khoán.

VN-Index chạm mốc lịch sử vào ngày 6/1/2022 tại 1.528,57 điểm sau đó giảm điểm rất mạnh từ cuối quý 1/2022 sau khi cơ quan quản lý triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Thị trường đã thực sự chấn động trước thông tin về giao dịch bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nhưng không công bố thông tin. UBCK đã ra một quyết định chưa từng có trong lịch sử là huỷ bỏ toàn bộ giao dịch của ông Quyết, phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng.

Chưa dừng ở đó, tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam ông Trịnh Văn Quyết để điều tra tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự. Ông bị cáo buộc cùng với một số người đã "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Gần 1 tháng sau, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố ông Đỗ Anh Dũng - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Ba tuần sau đó, Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam ông Đỗ Thành Nhân, chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings, để điều tra nghi vấn thao túng thị trường chứng khoán. Đồng thời cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 người khác gồm: Đỗ Đức Nam, tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt; Trịnh Thị Thúy Linh, giám đốc hành chính Công ty cổ phần Louis Holdings và Lê Thị Thùy Liên, nhân viên dịch vụ tài chính Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt.

Những người đứng đầu chịu trách nhiệm trên TTCK giai đoạn trước cũng đã bị khiển trách, kỷ luật.


Việc siết chặt kỷ cương trên TTCK được ví như một liều vaccine cho thị trường, có thể sẽ có những phản ứng phụ, nhưng sau đó thị trường sẽ có thêm kháng thể để chống chọi với những va đập bên ngoài cũng như thanh lọc nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư ham lướt sóng, tầm nhìn ngắn hạn.

Các thông tin khởi tố liên tiếp, đi kèm với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, chiến tranh Nga-Ukraina ảnh hưởng đến giá hàng hoá toàn cầu, Ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất nhiều lần đã khiến dòng tiền nóng rút ồ ạt khỏi thị trường chứng khoán nửa đầu năm, khiến thị trường nhiều phiên "trắng bên mua". Các mốc kháng cự 1400, 1300, 1200 điểm của Vn-Index bị phá vỡ mà không có một lực đỡ nào. Hầu hết nhà đầu tư đều thua lỗ nặng nề, mức thua lỗ lên đến 50-70% chỉ trong một thời gian ngắn khiến nhiều người bị "shock" tâm lý.

Thị trường đạt ngưỡng cân bằng trở lại nhờ các động thái trấn an tâm lý của cơ quan nhà nước. PE TTCK hiện giao dịch ở mức 12,8 lần. Tuy nhiên thanh khoản sụt giảm mạnh còn 10.000 tỷ/phiên trên sàn Hose, trong khi cùng thời điểm năm trước, giao dịch đạt trên 1 tỷ USD/phiên, cá biệt có những phiên khớp lệnh 40.000 tỷ. Thanh khoản đổ dồn sang thị trường phái sinh, với hơn 200.000 hợp đồng giao dịch mỗi phiên, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Lớp nhà đầu tư F0 ào đến trong hai năm Covid đã mang lại nguồn thặng dư vốn khổng lồ cho thị trường, cổ phiếu tăng bằng lần, các công ty đua nhau tăng vốn, người người khoe lãi. Cơn men say trong chiến thắng đã khiến nhiều nhà đầu tư, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư mới đu theo tin đồn và đội lái, để rồi sau đó thua lỗ nặng nề khi thị trường điều chỉnh sâu.

Người viết tin rằng sau cú điều chỉnh mạnh ở nửa đầu năm 2022, sẽ có một lớp nhà đầu tư rời bỏ thị trường và phải rất lâu sau mới có thể quay lại. Giống như giai đoạn 2006-2007, Vn-Index phải mất hơn 10 năm mới có thể chinh phục lại ngưỡng 1200 điểm, và mất 4 năm nữa để đạt đỉnh mới. Nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng ta đang quay lại thời điểm của năm 2018, khi VN-Index mấp mé ở ngưỡng 1.200.

22 năm, nếu so với thị trường chứng khoán thế giới và khu vực thì TTCK Việt Nam vẫn non trẻ. Có rất nhiều việc cần làm, cần cải thiện bao gồm các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, rút ngắn thời gian giao dịch chứng khoán (T+2) và tiến tới giao dịch trong ngày (day-trading), đưa dự án công nghệ thông tin của nhà thầu Hàn Quốc đi vào hoạt động, đẩy mạnh công tác cổ phần hoá và bán vốn nhà nước….

Quan điểm của Chính phủ là khuyến khích phát triển và duy trì TTCK hoạt động ổn định, minh bạch và bền vững; liên thông với thị trường tín dụng ngân hàng để cung ứng vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia thị trường gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, những biện pháp xử phạt thời gian qua sẽ giúp tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển TTCK, thị trường TPDN của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. TTCK Việt Nam với hơn 90% giao dịch đến từ nhà đầu tư cá nhân nên độ biến động mỗi khi xuất hiện các thông tin bất lợi bên ngoài là rất lớn. Ngoài việc tổ chức đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư, việc cần làm là phát triển nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư uy tín, bài bản để có thể khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là dòng vốn trung và dài hạn.

Theo Nhịp sống kinh tế


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.mastertraders.vn

Comments


bottom of page