top of page

Thị trường châu Á diễn biến ngược chiều trước khi Mỹ công bố số liệu việc làm

Ảnh của tác giả: Hiền TrầnHiền Trần
Giới đầu tư trên thị trường châu Á đang dồn mọi sự chú ý vào số liệu việc làm quan trọng tại Mỹ, nhằm tìm thêm chỉ dấu về triển vọng chính sách tiền tệ tại nước này.

Giá vàng tăng nhẹ khi đồng USD yếu đi

Một cửa hàng vàng ở Khartoum, Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Một cửa hàng vàng ở Khartoum, Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá vàng tăng trong chiều 7/12, khi đồng USD trượt giá và nhà đầu tư mong đợi số liệu việc làm quan trọng của Mỹ vào cuối tuần này nhằm tìm thêm manh mối về quỹ đạo lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.030,20 USD/ounce vào lúc 14 giờ 48 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 2.047,10 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD - thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này giảm 0,3%. Diễn biến này giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.

Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào báo cáo việc làm tháng 11 của Mỹ, dự kiến được công bố vào thứ Sáu (ngày 8/12 theo giờ địa phương). Báo cáo được đưa ra trước khi Fed công bố dự báo kinh tế và lãi suất cập nhật tại cuộc họp chính sách ngày 12-13/12.

Những bình luận ôn hòa gần đây từ các quan chức Fed và một loạt dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến đã làm dấy lên kỳ vọng rằng lãi suất của Mỹ đã đạt đỉnh. Thị trường thậm chí dấy lên hy vọng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới.

Giới giao dịch đang đặt cược Fed có khoảng 60% khả năng sẽ giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Lãi suất thấp hơn có xu hướng hỗ trợ vàng, vốn là tài sản không sinh lời.

Trong báo cáo ngắn mới nhất, ngân hàng ANZ kỳ vọng vàng sẽ giao dịch trên 2.000 USD/ounce vào năm tới, chủ yếu do hoạt động mua vàng mạnh mẽ của ngân hàng trung ương kết hợp với nhu cầu đầu tư chiến lược.

Tại thị trường trong nước, khép phiên 7/12, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 72,90 - 74,12 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

Giá dầu phục hồi từ mức thấp của 6 tháng

Các máy bơm dầu tại giếng dầu Imilorskoye ở Kogalym, vùng Siberi, Nga. Ảnh: TTXVN phát
Các máy bơm dầu tại giếng dầu Imilorskoye ở Kogalym, vùng Siberi, Nga. Ảnh: TTXVN phát

Giá dầu phục hồi phần nào trong chiều 7/12 sau khi giảm xuống mức thấp nhất sáu tháng trong phiên trước đó. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn lo ngại về nhu cầu trì trệ và khả năng suy giảm kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc.

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 27 xu Mỹ (tương đương 0,4%) lên 74,56 USD/thùng vào lúc 13 giờ 13 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ cũng tăng 24 xu Mỹ (0,4%) lên 69,62 USD/thùng.

Bà Tina Teng, nhà phân tích thị trường của công ty môi giới giao dịch CMC Markets, cho biết thị trường dầu có thể đã bị bán ra quá mức trong giai đoạn vừa qua. Điều đó đồng nghĩa sự phục hồi trước mắt chỉ là ngắn hạn.

Giá dầu đã giảm khoảng 10% kể từ khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối (nhóm OPEC+) tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm tới.

Bà Priyanka Sachdeva, nhà phân tích từ công ty môi giới giao dịch Phillip Nova, nhận định thị trường dầu mỏ dường như hoàn toàn phớt lờ các động thái nhằm giữ giá dầu tăng cao của các nhà sản xuất lớn.

Nhà phân tích cũng chỉ ra dấu hiệu lạm phát dịu bớt đang dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu, từ đó làm giảm nhu cầu nhiên liệu trên toàn cầu.

Chứng khoán châu Á vẫn trong vùng âm

Nhà đầu tư theo dõi bảng chỉ số chứng khoán tại Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhà đầu tư theo dõi bảng chỉ số chứng khoán tại Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên 7/12, kéo dài một tuần nhiều biến động trên khắp thị trường thế giới. Nhà đầu tư vẫn đang cố gắng điều chỉnh hoạt động giao dịch trước khi Mỹ công bố số liệu việc làm quan trọng. Phiên này, chứng khoán Nhật Bản nối bước Phố Wall giảm điểm. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo mất 1,76% (tương đương 587,59 điểm) và kết thúc ở mức 32.858,31 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng giảm điểm chung của khu vực. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong phiên này giảm 0,71% (117,37 điểm) xuống 16.345,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng giảm 0,09% (2,73 điểm) xuống 2.966,21 điểm.

Các thị trường Manila, Sydney, Seoul, Singapore, Taipei, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng chìm trong sắc đỏ.

Sau đợt tăng trong tháng 11 dựa trên tâm lý lạc quan rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào năm tới, thị trường đã thoái lui từ đầu tháng này do lo ngại hoạt động mua vào có thể đã quá mức.

Fed sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiếp theo vào tuần tới. Chuyên gia Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management cho biết, một động thái “diều hâu” của Fed hay một số liệu gây sốc khác có thể gây ra tình trạng bán tháo mạnh trên thị trường.

Bên cạnh đó, giới giao dịch phiên này không mấy ấn tượng với báo cáo cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng tốt hơn dự báo, khi các số liệu cũng cho thấy nhập khẩu của nước này đã bất ngờ giảm. Những số liệu như vậy càng làm nổi bật tình trạng khó khăn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 7/12, chỉ số VN - Index giảm 4,94 điểm (0,44%) xuống 1.121,49 điểm. Chỉ số HNX – Index cũng để mất 1,79 điểm (0,77%) xuống 231,84 điểm.


Theo BNews


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn



Comments


bottom of page