VN-Index lao dốc; “Chê” gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân; Công ty chứng khoán tiếp tục cuộc đua huy động vốn; Lập rào, chặn bán chui, cách nào?; Lãi suất cho vay thế chấp ở Mỹ tăng lên mức cao nhất 23 năm…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 26/10 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 350.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 70,05 – 70,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 9,1 USD lên 1.979,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên 1.990 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,71 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.087 đồng/USD, không đổi so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.420 – 24.760 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 34.600 USD thì sang phiên hôm nay đã chững lại và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,01 USD (-1,18%), xuống 84,38 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,86 USD (-0,95%), xuống 89,27 USD/thùng.
VN-Index mất hơn 45 điểm
Sau phiên sáng lao dốc không phanh, dòng tiền bắt đáy túc tắc hoạt động ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều. Tuy nhiên, lực cầu cũng chỉ đủ giúp chỉ số VN-Index vượt nhẹ lên trên 1.060 điểm trước khi bị đẩy ngược trở lại.
Thậm chí có thời điểm VN-Index đã thủng 1.050 điểm khi số mã giảm sàn tiếp tục tăng lên và hơn 150 mã. Tại ngưỡng điểm này, chỉ số thêm một lần được “cứu” nhờ một số cổ phiếu thu hẹp đà giảm và VN-Index trồi nhẹ lên trên 1.055 điểm khi đóng cửa.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 21,13 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 41,94 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 26/10: VN-Index giảm 46,21 điểm (-4,19%), xuống 1.055,45 điểm; HNX-Index giảm 12,03 điểm (-5,3%), xuống 219,98 điểm; UpCoM-Index giảm 2,78 điểm (-3,25%), xuống 82,79 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Tư (25/10), khi áp lực bán trên diện rộng tại nhóm cổ phiếu công nghệ cũng như sức ép từ lợi suất trái phiếu khiến lo ngại gia tăng về lãi suất sẽ giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Cổ phiếu Alphabet (Google) giảm 9,5% xuống mức thấp nhất trong ba tháng, sau khi báo cáo hoạt động kinh doanh đám mây tăng trưởng chậm nhất trong ít nhất 11 quý.
Trong khi đó, sức ép khác còn đến từ lợi suất trái phiếu kho bạc chuẩn tiếp tục tăng, tiến gần hơn đến mức 5%.
Kết thúc phiên 25/10: Chỉ số Dow Jones giảm 105,45 điểm (-0,32%), xuống 33.035,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 60,91 điểm (-1,43%), xuống 4.186,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 318,65 điểm (-2,43%), xuống 12.821,22 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản lao dốc, khi các cổ phiếu liên quan đến chip dẫn đầu một đợt bán tháo trên diện rộng, trong bối cảnh lợi suất dài hạn tăng và cổ phiếu công nghệ Mỹ bị bán mạnh trong phiên đêm qua.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,14% xuống 30.601,78 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,34% xuống 2.224,25 điểm.
"Thời điểm này, Nikkei 225 đang chịu ảnh hưởng nhiều hơn hơn các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là thị trường Mỹ", Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, chỉ ra mối tương quan cao với S&P 500 trong bốn tuần qua.
Cổ phiếu công nghệ đã bị ảnh hưởng lớn sau khi Alphabet (Google) lao dốc, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm tăng trở lại mức cao nhất trong 16 năm cũng đã khiến thị trường đi xuống.
Ở nhật Bản, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng đạt mức cao mới trong 10 năm qua.
"Lợi suất đang bóp nghẹt cổ phiếu ở khắp mọi nơi. Nhật Bản là một trường hợp rõ rệt hơn về điều này”, Kyle Rodda, một nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại Capital.com cho biết.
Các cổ phiếu chip phiên này giảm sâu nhất với Advantest dẫn đầu đà giảm trên Nikkei 225, giảm 6,87%, Screen Holdings giảm 5,61%, tiếp theo là Tokyo Electron giảm 5,03%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng khi thị trường vẫn nhận ảnh hưởng tích cực từ biện pháp kích thích trước đó.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,48% lên 2.988,30 điểm. Chỉ số CSI 300
bluechip tăng 0,28% lên 3.514,14 điểm.
Các nhà đầu tư đang quay trở lại thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau một loạt các biện pháp kích thích gần đây, bao gồm kế hoạch phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (136,76 tỷ USD) trái phiếu chính phủ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1 tỷ nhân dân tệ cổ phiếu Trung Quốc vào thứ Năm, sau tám phiên bán ròng liên tiếp.
Chứng khoán Hồng Kông trượt dốc, khi thị trường phải vật lộn để phục hồi sau các biện pháp của chính quyền để thúc đẩy phục hồi, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá yếu.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,24% xuống 17.044,61 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,09% lên 5.859,55 điểm.
Niềm tin của nhà đầu tư vẫn ở mức thấp, do sự phục hồi trong nước và rủi ro ở nước ngoài vẫn còn quá mức. Xung đột ở Trung Đông đã đẩy giá dầu lên cao và làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro toàn cầu.
"Cần có thời gian để kiểm tra đáy trên thị trường", Huang Yan, nhà quản lý quỹ của Shanghai QiuYang Capital cho biết. Các nhà đầu tư không nên quá lạc quan vì tình hình kinh tế vẫn còn khắc nghiệt, Huang nói thêm.
Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong trong 13 tháng, khi lo lắng của nhà đầu tư gia tăng khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ mở rộng đà tăng, trong khi dữ liệu trong nước mạnh hơn dự kiến đã hỗ trợ khả năng diều hâu hơn của ngân hàng trung ương.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 64,09 điểm, tương đương 2,71%, xuống 2.299,08 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 26/9/2022.
Thị trường đón nhận thông tin GDP của Hàn Quốc trong quý III/2023 đã tăng 0,6% so với quý trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc phiên 26/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 668,14 điểm (-2,14%), xuống 30.601,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,19 điểm (+0,48%), lên 2.988,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 40,72 điểm (-0,24%), xuống 17.044,61 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 64,09 điểm (-2,71%), xuống 2.299,08 điểm.
Theo Tin nhanh chứng khoán
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comments