Chị Vân mua căn hộ 55m2 với giá 800 triệu đồng. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm, căn hộ này đã 2 lần bị bục trần. Sống trong căn hộ có giá tương tự, chị Hoa luôn nơm nớp nỗi lo về nước nhiễm bẩn.
"Biết thế ngày xưa đừng ham rẻ!"
Năm 2018, cầm 350 triệu đồng trong tay, chị Vũ Thị Thúy (quê Thanh Hóa) tìm đỏ mắt cũng không thể mua được một căn chung cư vừa túi tiền ở Hà Nội.
Người phụ nữ này tìm hiểu thì thấy, thời điểm đó, giá những chung cư ở gần trung tâm khá cao, đều trên mức 25 triệu đồng/m2.
Xét trong khả năng chi trả, chị Thúy xác định chỉ vay được khoảng 500 triệu đồng để thực hiện kế hoạch an cư. Vì vậy, phân khúc mà chị hướng đến là những căn hộ có giá dưới 1 tỷ đồng.
"Thực sự tìm nhà phân khúc dưới 1 tỷ đồng thời điểm đó khá hiếm. Đa phần đều là những khu ở xa trung tâm, đi làm ở nội đô di chuyển sẽ rất mất thời gian. Các căn hộ thiết kế cũng không được đẹp, rất ít tiện ích xung quanh", Thúy cho hay.
Tuy nhiên vì điều kiện kinh tế có hạn, nên chị Thúy buộc phải chấp nhận mua nhà ở xa. Sau khi tìm hiểu, chị đã quyết định xuống tiền mua căn hộ thuộc một chung cư ở phường Phú Lãm (quận Hà Đông).
"Căn hộ tôi mua có diện tích thông thủy 56m2, gồm 2 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh, giá chủ đầu tư bán là 798 triệu đồng chưa bao gồm phí bảo trì, hoa hồng môi giới", chị Thúy cho hay.
5 năm trước, chị Thúy làm ở một công ty trên phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm), cách xa chung cư hơn 15km. Mỗi ngày, chị mất 2 tiếng đồng hồ mỗi lần đi và về.
"Về đến nhà chưa kịp thở, tôi lại phát hiện nước dùng nhiễm bẩn, có giun đỏ li ti. Không thể sử dụng nguồn nước đó, tôi đành phải mua nước đóng chai về dùng, về khoản tắm giặt, tôi phải đến nhà chị cùng công ty để tắm nhờ", chị Thúy.
Theo chị Thúy, "cuộc chiến nước sạch" ở chung cư nơi chị sống kéo dài hàng năm trời. Nhiều cư dân bức xúc lên tiếng tố tình trạng nước ở chung cư có màu vàng đục, nhiều cặn, thậm chí có giun màu đỏ, khi tắm bị ngứa…
"Nhiều chỉ số trong nước khi xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt chỉ số nitrit, amoni (chất ô nhiễm do chất thải động vật, nước cống) trong mẫu nước cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép", chị Thúy kể.
Hiện tại vấn đề về ô nhiễm nguồn nước ở chung cư của chị Thúy đã cơ bản được xử lý, đơn vị cung cấp nước đã thay đổi hệ thống lọc nước. Tuy vậy, những cư dân như chị Thúy vẫn nơm nớp nỗi lo nước bẩn.
Người phụ nữ này cho biết: "Để tự bảo vệ mình chúng tôi đã yêu cầu ban quản lý tăng cường giám sát, lên kế hoạch vệ sinh bể chứa, kiểm định mẫu nước thường xuyên".
Không may mắn như chị Thúy, những ngày qua, cuộc sống của gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương ở khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đảo lộn hoàn toàn vì thiếu nước.
Giữa "cơn khát nước sạch", chị Hương lại thở dài than vãn với chồng: "Biết thế ngày xưa đừng ham rẻ".
Năm 2019, qua lời giới thiệu của một số bạn bè, chị Hương và chồng bỏ số tiền 800 triệu đồng mua một căn hộ ở khu đô thị Thanh Hà.
"Lúc đó, vợ chồng tôi đã có 600 triệu đồng trong tay. Vì không muốn vay nợ nhiều, chúng tôi chọn nhà ở khu này. Chúng tôi còn dự tính, vay ít trả hết nợ sớm để còn tích tiền mua ô tô.
Tuy nhiên, về ở rồi mới thấy khu này có quá nhiều vấn đề từ giấy tờ pháp lý đến việc thiếu thốn nước sạch lẫn không gian sinh hoạt…", chị Hương cho hay.
Nơm nớp sợ bục trần, ngao ngán cảnh tắc thang
Như nhiều gia đình trẻ mưu sinh ở Hà Nội, chị Trần Thị Vân (37 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng lựa chọn mua nhà cách xa trung tâm để sớm hoàn thiện giấc mơ "nhà Thủ đô". Chị mua căn hộ ở xã An Khánh (Hoài Đức) rộng 55m2 với giá hơn 800 triệu đồng năm 2015.
Theo chị Vân, chung cư nơi chị sinh sống gặp không ít vấn đề từ cảnh dao thớt bay từ trên tầng cao xuống, tới cảnh nước bẩn, vàng đục hay sự ồn ào do chất lượng cách âm kém. Nhiều căn hộ tường thấm, nước tràn chảy tràn vào nhà mỗi khi mưa lớn.
Riêng căn hộ của chị Vân thì từng 2 lần bị bục trần. "Trong vòng 5 năm, căn hộ của tôi 2 lần bị bục trần. Lần trước là ở phòng ngủ, lần thứ hai là vào tháng 5 vừa qua, ở khu vực logia.
May mắn là 2 lần trần rơi đều không trúng người. Có gia đình trong khu chung cư của tôi, trần rơi trúng một em nhỏ 2 tuổi khiến cháu bị thương và rất hoảng sợ", chị Vân kể.
Kể về "nỗi khổ" khi ở chung cư giá rẻ, chị Phạm Thị Hoa (sinh sống ở khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ, Hoàng Mai) cho biết, ngao ngán nhất là cảnh chờ thang máy.
Theo chị Hoa, lâu nay, thang máy tại các tòa nhà chia thành hai. Một bên dành cho các cư dân từ tầng 2 đến tầng 24, bên còn lại dành cho cư dân từ tầng 25 đến tầng 45. Tuy vậy, vào những giờ cao điểm, nhiều gia đình (nhất là những người ở tầng cao) sẽ mất 10-15 phút cho việc di chuyển.
Để đối phó với tình trạng này, nhiều người buộc phải nghĩ ra các phương án khác nhau như dịch chuyển giờ làm, giờ về nhà, đi sớm hơn hẳn, ăn sáng bên ngoài... để giảm áp lực thang máy giờ cao điểm.
"Có lần chồng tôi xuống nhà để xe rồi mới phát hiện bị quên chìa khóa xe máy.
Anh quay lên lấy xe rồi đi xuống là mất 20 phút, muộn cả giờ làm", chị Hoa kể. Gia đình chị Hoa có thói quen sắp sẵn mọi thứ và kiểm đếm đồ đạc cần mang đi từ tối hôm trước để không bị mất thời gian vì cảnh tắc thang máy.
Ngoài quá tải thang máy thì hầm để xe căn chung cư nơi chị Hoa sinh sống luôn trong tình trạng chật kín, không một chỗ trống. Mỗi lần đi làm về, chồng chị Hoa thường phải căng mắt để tìm chỗ để xe.
Riêng chị Hoa, vì chật vật mỗi lần lấy xe ra hay cất xe xuống hầm, chị đã bán chiếc xe tay ga, chuyển sang đi xe buýt suốt 3 năm nay.
"Bạn bè khuyên vợ chồng tôi nên chuyển chỗ ở. Tôi cũng rất muốn nhưng điều kiện kinh tế hiện chưa cho phép. Trước đây, chúng tôi mua căn hộ ở đây 700 triệu đồng. Giờ bán có thể được hơn 1 tỷ đồng. Nhưng với số tiền này, chúng tôi không thể kiếm được một căn hộ nào khác ở nội đô", chị Hoa nói.
Sở hữu một căn nhà ở Hà Nội luôn là niềm mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế, nhiều người lao động không có nhiều sự lựa chọn. Họ buộc phải lựa chọn những căn chung cư giá rẻ.
Nhiều người chấp nhận mua ở xa trung tâm để mong có chỗ ở ổn định. Tuy nhiên, các vấn đề về nước sinh hoạt, chất lượng công trình, cơ sở hạ tầng khiến cuộc sống của nhiều người chưa thể hết lo âu mặc dù đã có nhà. Nhiều người vì thế chua chát cho rằng: "Tiền nào của nấy, nhà giá rẻ nên không gặp chứng nọ cũng dính tật kia".
Theo Dân trí
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comentarios