top of page
Ảnh của tác giảHiền Trần

Nhà ở xã hội: Người giàu giành mua nhà người nghèo

Tình trạng tranh suất mua nhà để bán kiếm lời diễn ra khi nhu cầu vượt quá xa so với nguồn cung, đặc biệt là ở các đô thị lớn.

7 người có hàng trăm m2 đất vẫn đăng ký mua nhà ở xã hội
7 người có hàng trăm m2 đất vẫn đăng ký mua nhà ở xã hội

Khi rà soát danh sách người trúng "số" mua nhà ở xã hội tại Hà Nội, Sở Xây dựng vừa qua đã phát hiện có người sở hữu đến 300m2 đất nhưng vẫn bốc thăm và giành được suất mua nhà.

Hành vi này của những người giàu đòi mua nhà người nghèo là trục lợi chính sách mà Tuổi Trẻ từng phản ánh. Câu chuyện này bộc lộ thêm các bất cập trong việc giải bài toán nhà ở xã hội.

Trước hết, tình trạng tranh suất mua nhà để bán kiếm lời diễn ra khi nhu cầu vượt quá xa so với nguồn cung, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Lấy ví dụ ở TP.HCM, dù là địa phương có thu nhập bình quân cao nhất, người dân có tỉ lệ sở hữu nhà ở thấp nhất cả nước khi chỉ đạt 67% so với mức trung bình 88%.

Dù Thủ tướng đặt mục tiêu xây dựng hơn 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp cho tới năm 2030, đến hết năm 2022, cả nước mới chỉ có 157.100 căn hộ thuộc dạng này.

Trong đợt bốc thăm nói trên tại Hà Nội, chỉ có 149 người may mắn trong số 1.300 người tham gia được quyền mua nhà.

Một nghịch lý trên thị trường bất động sản: trong khi các căn hộ cao cấp hiện dư thừa và ế khách, đa số người dân phải vất vả cả đời cũng không mua nổi một nơi an sinh là nhà ở xã hội.

Đây là thiếu sót của người làm quy hoạch và ra quyết định chính sách khi ưu tiên các dự án thương mại phục vụ đầu cơ, thay vì tập trung giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở nhức nhối của xã hội.

Thêm vào đó, giá nhà cho người thu nhập thấp nhưng không hề thấp, với mức giá hiện nay khó có thể gọi đó là nhà ở xã hội. Với mức 20 triệu đồng/m2, gấp 5 lần thu nhập tháng của một hộ nghèo, sở hữu một căn hộ 70m2 nằm ngoài tầm với của hầu hết người nghèo. Trong khi đó, việc vay vốn từ các gói hỗ trợ của Nhà nước không hề dễ dàng. Đến hết năm 2022, chỉ có hơn 5.000 người ở TP.HCM được hỗ trợ vay từ Quỹ Phát triển nhà ở với lãi suất 4,7% mỗi năm.

Nếu không cải thiện, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội được Chính phủ ban hành đầu năm sẽ khó thành công. Với những dự án nhà ở xã hội đã triển khai và mở bán, việc bốc thăm giành suất cần được thực hiện một cách khoa học hơn, nhằm tránh tình trạng đã thiếu lại không công bằng.

Thời 4.0, mua nhà ở xã hội vẫn xếp hàng bốc thăm?

Xếp hàng mua nhà ở xã hội - Ảnh: N.M.
Xếp hàng mua nhà ở xã hội - Ảnh: N.M.

Với những diễn ngôn về cách mạng 4.0, thật khó chấp nhận khi người dân vẫn phải xếp hàng từ 4h sáng để chờ đến lượt bốc thăm. Cách làm này vừa gây bất tiện cho cả khách hàng lẫn người thực thi, vừa không rõ ràng, phụ thuộc vào may rủi, khiến chính sách có thể bị trục lợi.

Thay vào đó, cơ quan chức năng có thể yêu cầu người có nhu cầu nộp hồ sơ trực tuyến và phân loại theo thứ tự ưu tiên. Những ai có nhu cầu cấp thiết hơn, ví dụ như nhà ở xuống cấp nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng, hay có con nhỏ/người bệnh cần chăm sóc, sẽ được đưa lên đầu danh sách.

Quy trình này sẽ ít nhất loại bỏ được những người có thu nhập cao, đã sở hữu nhà tại những nơi khác, hoặc có điều kiện sống tốt hơn, ra khỏi nhóm ưu tiên bốc thăm. Việc quản lý hồ sơ có thể được thực hiện từ cấp quận, thay vì tập trung vào một đầu mối ở cấp tỉnh thành vốn sẽ khiến tốn nhiều thời gian và thủ tục hơn. Nhưng trên hết, muốn chính sách nhà ở xã hội đúng nghĩa và thực thi hiệu quả thì giá phải thấp hơn và tránh được việc người giàu tranh mua hay mua bán lại.

Xây nhà cho người thu nhập thấp là chính sách phúc lợi đáng hoan nghênh. Tuy nhiên để chính sách này thực sự hiệu quả, hỗ trợ đúng những người có nhu cầu, cần nhanh chóng vá lại những lỗ hổng cả từ phía cung, cầu và quy trình thực hiện.

Bằng không, một chính sách rất nhân văn lại có thể trở thành cơ hội kiếm chác cho người giàu, khiến người nghèo thêm một lần đau khi vừa không có nơi ở lại vừa bị kẻ khác trục lợi trên danh nghĩa của mình.


Theo Tuổi trẻ


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn


Comments


bottom of page