Tổng thống Putin thông báo sẽ tiếp tục bán khí đốt cho các nước "thiếu thân thiện" với Nga như châu Âu, nhưng yêu cầu họ thanh toán bằng đồng ruble.
"Khác với một số đồng nghiệp, chúng ta coi trọng vị thế là đối tác và nhà cung cấp đáng tin cậy. Tất nhiên Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí tự nhiên với số lượng và mức giá được thống nhất trong các hợp đồng từ trước. Thay đổi duy nhất là phương thức thanh toán, trong đó sẽ sử dụng đồng ruble của Nga", Tổng thống Vladimir Putin nói trong cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng hôm nay.
Ông chủ Điện Kremlin đặt thời hạn một tuần để chính phủ và ngân hàng trung ương Nga xây dựng phương án thanh toán chi phí khí đốt bằng tiền tệ của Nga, trong khi tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom được lệnh đưa thay đổi này vào các hợp đồng.
"Cần xây dựng quy trình thanh toán minh bạch và dễ hiểu cho toàn bộ khách hàng nước ngoài, trong đó có mua ruble tại thị trường tiền tệ nội địa của Nga", ông nói thêm.
Danh sách "nước kém thân thiện" gồm các quốc gia đã áp đặt cấm vận Nga, trong đó có Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine. Thỏa thuận làm ăn với những cá nhân và doanh nghiệp tại những quốc gia này cần được ủy ban chính phủ Nga phê chuẩn.
Tính đến ngày 27/1, khoảng 58% lượng khí đốt Gazprom bán cho châu Âu và các nước khác được thanh toán bằng euro, trong khi USD chiếm 39%.
Các nhà phân tích coi động thái mới của Nga là nỗ lực của Moskva nhằm gây áp lực lên châu Âu để trả đũa các biện pháp cấm vận. Với các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga, phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD, gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga.
Khi mệnh lệnh của ông Putin được thực hiện, châu Âu sẽ phải mua lượng ruble trị giá hàng trăm triệu euro mỗi ngày. Với Nga, việc đó sẽ cung cấp cho họ dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga. Sự phụ thuộc khiến nhiều nước EU không đáp lại những lời kêu gọi từ Mỹ và Ukraine là cấm vận ngành năng lượng của Nga.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành Liên minh châu Âu, hôm 8/3 công bố mục tiêu giảm phụ thuộc khí đốt Nga với các biện pháp như tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới, đẩy mạnh dự trữ cho mùa đông năm sau và tăng cường nỗ lực cải thiện hiệu quả tiêu thụ năng lượng.
Đề xuất kêu gọi lấp đầy 90% công suất dự trữ khí đốt trước ngày 30/9 năm nay, so với mức 30% hiện tại. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến độc lập hoàn toàn với nguồn khí đốt, dầu và than của Nga trước năm 2030.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 7/3 dọa cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, cảnh báo giá dầu có thể lên 300 USD/thùng nếu châu Âu cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. EU hồi đầu tháng phải trả khoảng 722 triệu USD tiền khí đốt mỗi ngày cho Moskva, cao gấp ba lần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, theo viện nghiên cứu Bruegel ở Bỉ.
Theo VNEXPRESS
Nhấn vào nút bên dưới và đăng ký ngay các khóa đào tạo của chúng tôi
Comments