Các doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc nhiều vào đám đông ngoài trời và khách du lịch chi tiêu tự do tại Mỹ đang đối mặt với tương lai ảm đạm vào mùa hè này, theo AP News.
Nhu cầu chi tiêu của người dân có thể tăng cao do bị dồn nén sau hơn 2 năm đại dịch và nhiều người dường như đã sẵn sàng chi tiêu cả số tiền còn lại trong khoản tiết kiệm của mình. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với thực trạng giá cả của nhiều mặt hàng, dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn do lạm phát cao.
Hiệp hội Lữ hành Mỹ, dự kiến số tiền chi cho du lịch - không bao gồm đi công tác - ở nước này đạt tổng cộng 726 tỷ USD vào năm 2022, tăng 3% so với năm 2021 và cao hơn một chút so với mức trước đại dịch.
Nhưng lạm phát có thể ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu của người Mỹ. Giá cả cao hơn đang làm cho cuộc sống hàng ngày đắt đỏ hơn, dẫn tới việc số tiền dùng để chi tiêu tùy thích sẽ giảm đi. Giá xăng tại Mỹ hiện đã tăng hơn 60% so với 1 năm trước. Trong khi đó, giá phòng khách sạn và giá vé máy bay cũng đắt hơn, gây áp lực lên ngân sách du lịch của người Mỹ.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang phải vật lộn với lạm phát: Nguyên liệu thô đắt hơn trong khi người lao động yêu cầu được trả lương cao hơn. Không ít ông chủ đã buộc phải tăng giá hoặc cắt giảm một số dịch vụ.
Nhà kinh tế Ray Keating cho biết: "Đây sẽ là một mùa hè đầy bất ổn. Lạm phát là nỗi lo lớn, kèm theo đó là sự gia tăng chi phí mà các doanh nghiệp nhỏ đang phải chịu từ nhà cung cấp cũng như người lao động của họ".
Gia đình Jack Morey đã sở hữu và điều hành 3 công viên giải trí ở New Jersey trong 2 thế hệ. Morey cho biết 2 năm qua đã gây ra nhiều khó khăn cho công việc kinh doanh của anh, do tác động của đại dịch cũng như tình trạng thiếu nhân viên.
Năm nay, các biện pháp hạn chế để phòng dịch đã được bãi bỏ và Morey có thể kinh doanh bình thường trở lại. Nhưng chi phí trả lương và tất cả các chi phí khác đều "ở mức cao", vì vậy anh buộc phải tăng giá. Anh không chắc liệu khách hàng - phần lớn các gia đình thuộc tầng lớp lao động, có quay lại công viên hay không vì họ đang phải đối mặt với tình trạng "bão giá".
"Bão giá" cũng đồng nghĩa với việc chênh lệch giữa khách du lịch giàu có và tầng lớp trung lưu hay lao động chân tay ngày càng lớn. Tại một khu dinh thự ở Massachusetts, hầu hết các phòng đã đặt trước cho kỳ nghỉ hè. Chủ sở hữu Susan Goldstein cho biết khách hàng của cô thích việc lái xe đến đây để nghỉ dưỡng thay vì bay đến nơi khác mặc dù giá xăng giờ đây đã cao hơn. Ngoài ra, cô nói rằng khách hàng giờ thường đặt sát ngày đi thay vì đặt trước nhiều ngày như thông thường.
Tình trạng khan hiếm lao động cũng đang gây áp lực lên nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ trong mùa hè này. Để thuê được thêm nhân viên làm việc cho 2 tiệm bánh thuần chay ở Tennessee, Holly Roe đã phải tăng lương đồng thời thuê thêm nhiều thanh thiếu niên.
Trước khi xảy ra đại dịch, đội ngũ nhân viên của cô có 80% là người trên 18 tuổi còn hiện giờ, tỷ lệ này đã thay đổi hoàn toàn.
Đây đang trở thành một xu hướng mới trên khắp nước Mỹ. Theo dữ liệu của một công ty về nguồn nhân lực, thanh thiếu niêm chiếm 9,3% số người được thuê mới vào tháng 4/2022, tăng từ 7,7% vào tháng 4 năm ngoái và 2% vào tháng 4/2019. Trong khi đó, tỷ lệ nhân viên từ 25 đến 54 tuổi được thuê mới đã giảm xuống còn 62,9% vào tháng 4 này so với mức 75,3% vào tháng 4/2021.
Một số doanh nghiệp khác lại tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Samuel Clark – người quản lý dịch vụ phụ trách quảng bá cho các chương trình của sân khấu kịch Broadway, cho biết dù anh đã quay lại làm việc nhưng một số chương trình vẫn phải tạm hoãn vì các ca mắc Covid-19.
Anh chia sẻ: "Covid-19 vẫn là mối đe dọa hiện hữu với chúng tôi. Hơn nữa, tôi còn phải tăng lương cho nhân viên do chi phí sinh hoạt tăng cao. Đối với những người làm theo giờ, tiền thuê nhà của họ đã tăng 25% so với cùng kỳ năm trước". Clark hi vọng rằng mùa hè năm nay sẽ có nhiều khách du lịch châu Á đến Mỹ hơn sau khi các nước gỡ bỏ hạn chế để phòng dịch.
Đối với Austin Ray, chủ một nhà hàng ở Nashville, mùa hè là thời gian đám đông kéo đến sân vận động để xem giải đấu bóng chày ở ngay cạnh cơ sở kinh doanh của anh. Tuy tình hình hoạt động của quán đã khả quan từ năm ngoái nhưng việc chi phí tăng vọt có thể sẽ khiến anh phải tăng giá các món ăn trong thực đơn từ 7% đến 10%.
"Giữ chân công nhân vẫn là một thách thức đòi hỏi ‘nhiều thời gian và nhiều tiền hơn’. Dù vậy, sau khi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của đại dich, tôi tin rằng nhà hàng của tôi có thể vượt qua cơn bão giá này", anh cho biết.
Nguồn: AP News
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.mastertraders.vn
Comments