Những cuộc chạm trán và khắc chế lẫn nhau trên mặt trận tác chiến điện tử giữa Nga và Ukraine cũng không kém phần khốc liệt như đạn pháo, tên lửa.
Tại một chốt trinh sát ở tiền tuyến miền đông Ukraine, binh sĩ với bí danh Alain, thành viên trong một đội tình báo điện tử Ukraine, quyết định thay đổi vị trí. Anh cho rằng quân đội Nga có thể đã phát hiện ăng-ten của đội và đang tiến gần đến vị trí của họ.
Với binh sĩ làm nhiệm vụ tình báo điện tử như Alain, "vô hình" trước đối thủ là điều kiện tiên quyết. Công việc của đội Alain bao gồm phát hiện sóng điện tử từ các loại khí tài của Nga, như máy bay không người lái (UAV), hệ thống phòng không, máy gây nhiễu, pháo và bệ phóng rocket.
Đội của Alain sẽ tìm ra nguồn phát tín hiệu từ những khí tài trên, sau đó chuyển tọa độ cho các đơn vị làm nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu. Thông tin thu thập được cũng giúp các chỉ huy có cái nhìn bao quát về tình hình chiến trường.
Đại tá Ivan Pavlenko, chỉ huy Cục Tác chiến mạng và Điện tử thuộc Bộ Tổng tham mưu Ukraine, nói rằng xung đột lúc này như "cuộc đối đầu về công nghệ".
"Nếu tôi thấy nhiều trạm phát sóng tại cùng một điểm, tôi sẽ biết đó là sở chỉ huy. Nếu các trạm phát sóng di chuyển, đó sẽ là dấu hiệu đối phương chuẩn bị tấn công hoặc phản công", ông nói thêm.
Không được nhắc đến nhiều trên truyền thông như những vụ nổ hay các đợt pháo kích, song tác chiến điện tử có vai trò quan trọng việc "bày binh bố trận" giữa các bên. Những cuộc giằng co trong lĩnh vực tác chiến điện tử diễn ra trên mặt trận hầu như vô hình, nhưng không kém phần quyết liệt.
Gần như mọi khí tài hiện đại, từ tổ hợp pháo đến tên lửa chính xác cao, đều sử dụng các loại sóng vô tuyến, vi sóng hoặc tín hiệu hồng ngoại để thu nhận dữ liệu. Chính những tính năng hiện đại này đôi khi khiến chúng bị khắc chế bởi hệ thống gây nhiễu.
"Nếu thất bại trong tác chiến điện tử, quân đội của bạn sẽ trở nên lạc hậu và bị đối thủ bỏ xa", Yaroslav Kalinin, giám đốc Infozahyst, công ty sản xuất những hệ thống tác chiến điện tử cho quân đội Ukraine, nói.
Đại tá Pavlenko cho biết vào thời điểm Nga phát động chiến sự ở Ukraine, lực lượng tác chiến điện tử của nước này có 18.000 quân, nhưng hiệu quả tác chiến của họ không như dự đoán ban đầu.
"Nga lúc đó tìm cách phá hủy radar của chúng tôi nhằm xuyên thủng hệ thống phòng không. Họ đã thành công một phần trong mục tiêu này, nhưng không hạ gục được hoàn toàn lực lượng phòng không của chúng tôi", ông nói.
Các tổ hợp tên lửa phòng không Ukraine vẫn có khả năng bắn hạ chiến đấu cơ Nga, khiến Moskva không thể giành quyền kiểm soát bầu trời, yếu tố quan trọng khiến họ thất bại trong chiến dịch kiểm soát Kiev.
Lực lượng tác chiến điện tử của Nga cũng không thể vô hiệu hóa hệ thống thông tin liên lạc của Ukraine, cho phép quân đội nước này tổ chức tuyến phòng thủ hiệu quả. Người Ukraine lúc đó vẫn có thể sử dụng điện thoại di động để báo tin cho quân đội về di biến động của lực lượng Nga.
Bryan Clark, nhà nghiên cứu tại Viện Hudson, Mỹ, cho rằng vấn đề lớn nhất với Nga trong giai đoạn đầu chiến sự là các đơn vị tác chiến điện tử không thể bắt kịp với đà tiến của bộ binh và tăng thiết giáp.
"Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga chủ yếu được thiết kế để phòng thủ, nên không linh hoạt, không có khả năng cơ động nhanh và số lượng cũng không nhiều", ông nói.
Nhưng khi chiến sự kéo dài, Nga đã dần rút được kinh nghiệm. Thay vì sử dụng các khí tài tác chiến điện tử cồng kềnh, dễ bị phát hiện, họ đang tăng cường triển khai các thiết bị nhỏ gọn hơn, có khả năng cơ động và ẩn mình cao hơn.
Clark nói Nga đã triển khai hàng trăm khí tài tác chiến điện tử cơ động ở tiền tuyến, nhằm chặn đà phản công của Ukraine. Chúng bao gồm thiết bị gây nhiễu tín hiệu GPS, hay các hệ thống chế áp radar và ngăn trinh sát cơ Mỹ thu thập thông tin mục tiêu cho Ukraine tấn công.
Khí tài di động linh hoạt như Zhitel và Pole-21 tỏ ra hiệu quả trong việc đối phó với hệ thống định vị GPS và kết nối vệ tinh. Các vũ khí này có thể vô hiệu hóa UAV dẫn đường cho pháo binh, cũng như các UAV tự sát nhắm quân đội Nga.
Nhiều loại vũ khí tinh vi mà phương Tây chuyển cho Ukraine cũng dễ bị gây nhiễu, do chúng đều sử dụng tín hiệu GPS để dẫn đường.
"Tổ hợp Zhitel có thể gây nhiễu sóng GPS trong bán kính 30 km. Những vũ khí như bom dẫn đường JDAM do Mỹ sản xuất sẽ mất phương hướng và chệch mục tiêu, do chúng dùng GPS để định hướng", Clark nói.
Trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), chuyên gia Thomas Withington cho rằng hệ thống gây nhiễu Nga không vô hiệu hóa được bom JDAM, nhưng sẽ tác động đến độ chính xác, vốn là tính năng tạo nên uy lực của vũ khí này.
Các khí tài gây nhiễu của Nga cũng là lý do Ukraine giờ đây ngần ngại sử dụng pháo phản lực HIMARS, vũ khí từng có đóng góp lớn trong các đợt phản công trước đây. Đạn rocket của HIMARS cũng sử dụng tín hiệu GPS để dẫn đường và dễ bị lực lượng tác chiến điện tử Nga vô hiệu hóa.
Hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 đã vô hiệu hóa tín hiệu GPS của UAV Tu-141, khiến nó lao xuống đất trước khi đến được mục tiêu. Đến tháng 4, một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận nhiều quả bom dẫn đường JDAM không đánh trúng mục tiêu do bị gây nhiễu.
Đại tá Pavlenko không phủ nhận hệ thống của Nga đã làm giảm độ hiệu quả và chính xác của vũ khí mà Ukraine nhận được từ phương Tây. Ông cho rằng điều này khiến việc tấn công các hệ thống tác chiến điện tử của Moskva càng quan trọng hơn.
Song khí tài gây nhiễu của Nga vẫn có những điểm hạn chế. Một số chuyên gia RUSI cho hay những tổ hợp như Zhitel có thể bị lộ vị trí khi phát sóng gây nhiễu. Ngoài ra, tín hiệu chế áp mạnh của chúng cũng có thể làm gián đoạn liên lạc vô tuyến và hệ thống radar của chính các binh sĩ Nga.
Để ứng phó với những "sát thủ vô hình" trên mặt trận tác chiến điện tử, cả Nga và Ukraine đều phát triển những biện pháp nhằm khắc chế hệ thống gây nhiễu của đối phương, trong đó có lập trình lại các loại vũ khí để chúng có thể vượt qua lớp phòng thủ gây nhiễu.
"Trước khi khai hỏa vũ khí dẫn đường chính xác cao, chúng tôi phải có thông tin tình báo về việc đối phương có hệ thống chế áp điện tử ở khu vực đó hay không. Nếu khu vực đó có tín hiệu gây nhiễu, chúng tôi phải tìm được nguồn phát và phá hủy nó, khi đó mới có thể sử dụng vũ khí dẫn đường", ông Pavlenko nói.
Khi đó, trách nhiệm trinh sát được đặt lên vai đơn vị tình báo như đội của Alain. Tập kết tại địa điểm mới, Alain thông báo đã xâm nhập được vào đường dây liên lạc của quân đội Nga và đang nghe lén cuộc trò chuyện của lực lượng pháo binh đối phương.
Công việc tiếp theo của đội Alain là xác định tọa độ của các binh sĩ Nga. "Trong chiến tranh, bất cứ mẩu thông tin nào cũng có thể đóng vai trò quan trọng", anh nói.
Theo VNExpress
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Yorumlar