top of page
Ảnh của tác giảNam Cao

Lỗ từ doanh nghiệp bất động sản lan rộng sang các ngành nghề khác

Bất động sản như đầu kéo của một đoàn tàu. Đầu kéo khựng lại thì toàn bộ phía sau sẽ bị dồn toa. Điều này đã phản ánh rõ nét trong kết quả kinh doanh quý đầu năm của các doanh nghiệp vừa được công bố.


Các hoạt động trên thị trường bất động sản chiếm gần 30% tổng hoạt động của nền kinh tế. Ảnh: Phan Anh


Lãi vay đè nặng, lợi nhuận xuống đáy

Trước bối cảnh thị trường không thuận lợi, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã trượt dài trong thua lỗ vào quý I vừa qua. Tiêu biểu là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất hơn 604 tỉ đồng, sụt giảm 69% so với cùng kì năm 2022.


Sau khi khấu trừ hết các chi phí, lợi nhuận sau thuế chuyển âm 410 tỉ đồng, đánh dấu quý lỗ đậm nhất từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.


Hàng tồn kho tiếp tục chinh phục mức cao mới là gần 137 tỉ đồng. Tổng tài sản giảm hơn 1 tỉ đồng so với đầu năm xuống 256.194 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sử hữu khá mỏng chỉ hơn 44 tỉ đồng. Nợ phải trả hơn 211.786 tỉ đồng, chiếm 82% tổng tài sản.


Nguyên nhân khiến lượng tiền sụt giảm trong quý là do ngoài khoản chi cho các hoạt động kinh doanh, Novaland chi gần 2.228 tỉ đồng để trả nợ gốc vay. Từ đó kéo âm dòng tiền hoạt động tài chính dẫn đến dòng tiền thuần trong kì âm hơn 3.236 tỉ đồng.


Tương tự trong quý vừa qua, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Phát Đạt chỉ đạt lợi nhuận sau thuế hơn 22 tỉ đồng, giảm tới 92% so cùng kì. Tổng nợ phải trả là 13.511 tỉ đồng. Với chi phí lãi vay hơn 88 tỉ đồng trong quý I/2023, trung bình mỗi ngày Phát Đạt phải chi gần 1 tỉ đồng để trả chi phí. Trong năm nay, doanh nghiệp đối diện áp lực lớn từ hơn 2.500 tỉ đồng trả nợ trái phiếu.


Không những thế, nhiều doanh nghiệp bất động sản quy mô nhỏ hơn cũng chịu chung số phận khi doanh thu chạm đáy như Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi...


Nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy ngành bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác. Trong đó có ngành bắn bó nhất là xây dựng. Quý đầu năm, "ông lớn" Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán HBC) đã báo lỗ sau thuế 445 tỉ đồng, xác nhận quý lỗ nặng thứ hai trong lịch sử hoạt động.


Cung ứng nguyên vật liệu cho hoạt động xây dựng, một số doanh nghiệp thép cũng điêu đứng. Quý I/2023, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (mã chứng khoán TIS) lỗ sau thuế 19 tỉ đồng trong khi cùng kì lãi hơn 29 tỉ đồng.


Hoạt động trong lĩnh vực môi giới, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, mã chứng khoán CRE) ghi nhận doanh thu môi giới bất động sản trong quý I là 69 tỉ đồng, giảm 76% so với cùng kì năm nước. Khấu trừ hết chi phí, Cenland lỗ sau thuế 8,8 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước lãi hơn 142 tỉ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.

Toàn thị trường "nín thở"

Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý I/2023, thị trường tiếp tục trạng thái trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, vẫn ghi nhận dấu hiệu tích cực về nguồn cung và giao dịch tại một số dự án chung cư có vị trí thuận lợi, được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín và có chất lượng bàn giao tốt.


Doanh nghiệp bất động sản, môi giới, khách hàng và nhà đầu tư cùng nhau chờ. Trong khi đó, toàn bộ thị trường "nín thở", không hoàn toàn án binh bất động nhưng luôn trong trạng thái nghe ngóng, chờ đợi từng động thái từ phía Chính phủ.


Đáng chú ý, mặc dù thanh khoản giảm nhưng giá bán trung bình tại các dự án phần lớn không thay đổi so với quý trước. Giá bán trên thị trường thứ cấp giảm mạnh, có dự án giảm đến 15 - 20%. Nguyên nhân là hết thời gian ân hạn nợ gốc, nhiều khách hàng không còn đủ tài chính để giữ hàng đành chấp nhận cắt lỗ sâu. Nhiều người vẫn còn tâm lí "bắt đáy" chờ giá tiếp tục giảm.



Theo Laodong



Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn


Comments


bottom of page