top of page

Hoang phí nhà bỏ hoang

Ảnh của tác giả: Hiền TrầnHiền Trần
Trong các khảo sát về mối quan tâm của công nhân, viên chức, người lao động nói chung ở các thành phố lớn do một số tổ chức nghiên cứu thực hiện cho thấy, vấn đề nhà ở là mối quan tâm hàng đầu của đa số họ.

Còn theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ và chi phí để thuê nhà hằng tháng chiếm đến 30% tổng thu nhập. Riêng tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung số lượng người lao động, công chức, viên chức lớn nhất cả nước thì giá nhà ở thuộc diện rất đắt đỏ và rất khó để họ có thể mua được nhà từ mức thu nhập hiện tại. Nhưng lại có một nghịch lý đang diễn ra, đó là tình trạng dự án nhà ở bị bỏ hoang hiện có số lượng không hề nhỏ.

Nhiều căn hộ bị bỏ hoang trong các dự án nhà ở tái định cư. Ảnh: laodong.vn
Nhiều căn hộ bị bỏ hoang trong các dự án nhà ở tái định cư. Ảnh: laodong.vn

Các căn hộ bị bỏ hoang đa phần thuộc các dự án nhà ở tái định cư và dự án nhà ở thương mại bị đắp chiếu. Tại địa bàn Hà Nội, theo thống kê, hiện có gần 4.000 căn hộ thuộc các dự án tái định cư bị bỏ hoang nhiều năm. Còn TP Hồ Chí Minh có tới gần 10.000 nhà tái định cư bỏ hoang. Riêng với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị bỏ hoang, có lẽ ai nhìn cũng phải xót xa vì hầu hết nằm ở các vị trí đắc địa. Vì sao lại có nghịch lý đó?

Dễ nhận thấy, các dự án nhà ở bị bỏ hoang vì không phù hợp với khả năng, không đáp ứng được điều kiện của người cần. Với các nhà ở tái định cư, đối tượng thụ hưởng lại không muốn nhận nhà vì bất tiện. Nơi xây thì cứ xây, miễn là xin được đất mà không chú ý đến quy hoạch, quy hoạch thiếu đồng bộ, quy hoạch còn xa rời thực tế. Nhiều dự án đã không tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học về nhu cầu nơi ở mới của người dân. Và quan trọng nữa là không bám sát tiêu chí đã được đề ra, đó là nơi tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhiều dự án khiến người nhận nhà “đi chẳng được, ở chẳng xong”, bởi nơi ở mới không thể đáp ứng các điều kiện để họ tiếp tục làm ăn hay tạo việc làm mới để duy trì thu nhập phục vụ cuộc sống. Trong khi đó, chất lượng nhà tái định cư luôn bị đặt dấu hỏi; nhiều nhà chất lượng thấp khiến người dân có định kiến không tốt về nhà tái định cư. Điều này đang gây lãng phí nguồn lực đất đai và ngân sách nhà nước.

Đối với các dự án nhà ở thương mại bị bỏ hoang, yếu tố cốt lõi là giá cả vượt khả năng người lao động bình thường có thể sở hữu. Trong khi đó, đối tượng có khả năng sở hữu thì chưa chắc đã có nhu cầu, hoặc chỉ để đầu cơ. Khi mà vấn đề pháp lý, thị trường mua bán bất động sản ngày càng yêu cầu tính minh bạch thì câu chuyện phát triển ồ ạt thiếu quy hoạch, không khảo sát kỹ thị trường đã để lại hệ lụy ghê gớm.

Nhiều chuyên gia hiến kế, để tránh lãng phí thì nên thực hiện bán đấu giá cho các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp và có cơ chế cho họ đầu tư xây dựng thêm hạ tầng tiện ích để có thể bán cho người thu nhập thấp, người có nhu cầu thực sự.

Nghịch lý người cần nhà thì không có nhà, nhà xây xong thì không có người ở đang là một thực tế. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có hướng giải quyết nào được xem là khả thi với hàng chục nghìn căn nhà bỏ hoang ấy. Một sự lãng phí thật khó chấp nhận mà không quy được trách nhiệm cho ai.


Theo Quân đội nhân dân


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn



Komentáře


bottom of page