top of page
Ảnh của tác giảHiền Trần

Hóa giải "nút thắt" nhà ở xã hội

Theo các chuyên gia, để tạo sự cạnh tranh và công bằng trong lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội, cần sớm thống nhất quy định của Luật Nhà ở và Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ chế đấu thầu dự án.

Trong chia sẻ mới đây, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở mới vừa được thông qua đã điều chỉnh theo hướng mở hơn, thuận lợi hơn, với cả chủ đầu tư làm dự án và người có nhu cầu mua nhà ở xã hội.


Các vướng mắc của nhà ở xã hội sẽ được tháo gỡ khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực. Ảnh: DH
Các vướng mắc của nhà ở xã hội sẽ được tháo gỡ khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực. Ảnh: DH

Hóa giải nhiều nút thắt


Cụ thể, với việc đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương. Quy định này không những giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội từ trước đến nay cho chủ đầu tư, mà còn có lợi cho người mua nhà bởi thông qua việc nắm rõ các thông tin về nhu cầu của người dân, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp. 


Ngoài ra, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ đất của dự án mà không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất hay thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục


Trong khi đó, theo TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), nhiều quy định mới “gỡ khó” cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội, cũng như tăng khả năng tiếp cận loại hình nhà ở này cho người thu nhập thấp đủ khả năng và điều kiện để mua nhà.


Theo vị chuyên gia, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn khoảng 1 năm. Ngoài ra, việc chỉ áp biên lợi nhuận với phần diện tích nhà ở xã hội sẽ giúp chủ đầu tư có thêm lợi nhuận từ việc phát triển nhà ở xã hội thông qua phần diện tích thương mại, là điểm cộng, tăng sức hút đối với các chủ đầu tư.


Bên cạnh đó, Luật Nhà ở mới đã được sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách rất quan trọng và thiết thực, “tháo gỡ" khó khăn trong quá trình tiếp cận cho người dân khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.


Đây cũng là "điểm" kỳ vọng tạo cú hích thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tiếp thêm hy vọng mua được nhà cho người dân, đem lại dòng tiền cho doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy tiến trình phục hồi của thị trường BĐS.


"Luật Nhà ở mới sẽ gỡ khó cho người dân, giải quyết thực trạng "vừa thừa, vừa thiếu" - TS Nguyễn Văn Đính nhận định.


Sớm thống nhất quy định với Luật Đất đai


Cần thống nhất các quy định của Luật Nhà ở và Luật Đất đai.
Cần thống nhất các quy định của Luật Nhà ở và Luật Đất đai.

Theo các chuyên gia, tạo sự cạnh tranh và công bằng trong lựa chọn chủ đầu tư, thời gian tới để chuẩn bị cho quá trình thông qua Luật đất đai, cần tạo được sự thống nhất với hai dự án Luật đã thông qua trước đó, kèm theo cơ chế đấu thầu để đảm bảo chọn lựa công bằng, hiệu quả. 


Bên cạnh đó, tầm quan trọng của chính sách Nhà nước trong việc hỗ trợ các chủ đầu tư và điều chỉnh giá bán. Việc tính đúng và đủ giá được coi là quan trọng để thu hút sự quan tâm của các chủ đầu tư. 


Ông Hoàng Hải nhận định: "Trước đây, giá bán chưa tính đúng, chưa tính đủ nên chưa hấp dẫn các chủ đầu tư. Bây giờ cần tính đúng, tính đủ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có thể cân đối, có các bài toán về tài chính nhưng vẫn đảm bảo hài hòa được đáp ứng được mục tiêu, chính sách nhà nước quan tâm đến hỗ trợ để có thể giảm thiểu giá đối tượng này được thụ hưởng”.


Còn TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng cần tạo các cơ chế đấu thầu thông thoáng để kích thích, thu hút các chủ đầu tư tham gia phát triển.


Về nguồn vốn cho người mua nhà ở xã hội, ông Nghĩa cho rằng cần tài trợ trực tiếp qua ngân sách, không nên qua ngân hàng để tạo ưu đãi lớn nhất về nguồn vốn cho người thu nhập thấp hoặc có thể dùng ngân hàng để tài trợ như cách Singapore làm.


Đơn cử, tại Singapore, người mua nhà ở xã hội được vay vốn ngân hàng và chịu lãi suất 2,5%/năm, phần vượt quá lãi suất thì Chính phủ bù. Ông Nghĩa nhấn mạnh, các vướng mắc này được tháo gỡ sẽ giúp nguồn cung nhà ở xã hội tăng trong thời gian tới.


Theo Diễn đàn Doanh nghiệp


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn



Comentarios


bottom of page