top of page
Ảnh của tác giảTrang Đặng

Hàng nghìn tỷ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu tháng 10 qua các quỹ ETF

Dòng tiền có xu hướng quay trở lại qua kênh ETF mang đến những tín hiệu tích cực bởi biến động của thị trường trong quá khứ thường có sự đồng pha nhất định với xu hướng của dòng vốn ETF.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầy thử thách trước áp lực rút vốn trên toàn cầu dưới tác động của xu hướng tăng lãi suất. Tuy nhiên, những tín tiệu tích cực đã dần xuất hiện, đặc biệt là dòng vốn qua kênh ETF đã đảo chiều quay lại thị trường sau thời gian chững lại, thậm chí có thời điểm bị rút ròng trong 3 tháng qua.


Theo thống kê từ đầu tháng 10, các quỹ ETF đã hút ròng khoảng 1.800 tỷ đồng trong đó Fubon FTSE Vietnam ETF tiếp tục là điểm sáng với dòng tiền vào hơn 900 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 tháng giảm tốc hút tiền, quỹ ETF này đang có dấu hiệu “nhấn ga” trở lại. Đây cũng là ETF duy nhất không bị rút ròng trong bất kỳ tháng nào kể từ đầu năm với giá trị dòng tiền vào đến thời điểm hiện tại đã lên đến gần 7.200 tỷ đồng.

Nhip

DCVFM VNDiamond ETF cũng có sự trở lại khá ấn tượng sau 3 tháng liên tiếp bị rút vốn với giá trị hơn 1.800 tỷ đồng trong quý 3. Từ đầu tháng 10, ETF này đã hút ròng trở lại khoảng 335 tỷ đồng qua đó nâng giá trị dòng tiền vào từ đầu năm lên 4.100 tỷ đồng. Trước đó trong nửa đầu năm, Diamond ETF còn là thỏi năm châm hút tiền mạnh nhất thị trường với giá trị gần 5.600 tỷ đồng.


Trong khi đó, “người anh em” DCVFM VN30 ETF đã gây bất ngờ khi hút ròng hơn 400 tỷ đồng từ đầu tháng 10, con số lớn nhất kể từ đầu năm. Trước đó, ETF này đã bị rút vốn mạnh trong 7 trên 9 tháng đầu năm và chỉ hút ròng nhẹ trong 2 tháng 4 và 5 với tổng giá trị chưa đến 300 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, dòng tiền vào VN30 ETF vẫn âm gần 1.500 tỷ đồng và là quỹ bị rút ròng mạnh nhất thị trường.


Tuy nhiên, ấn tượng nhất phải kể đến V.N.M ETF khi hút vốn 247 tỷ đồng kể từ đầu tháng 10 và đang tràn trề cơ hội có tháng đầu tiên không bị rút ròng. Trước đó, ETF này đã bị rút ròng triền miên từ đầu năm với giá trị gần 1.200 tỷ đồng sau 9 tháng. Với diễn biến khả quan gần đây, dòng vốn rút ra khỏi V.N.M ETF tính từ đầu năm đã được thu hẹp xuống còn khoảng 900 tỷ đồng.


Chiều ngược lại, dòng vốn vào SSIAM VNFinLead ETF đang có dấu hiệu đảo chiều khi rút ròng 52 tỷ đồng từ đầu tháng 10 sau khi hút vốn trong 6 tháng liên tiếp. FTSE Vietnam ETF cũng đang chững lại sau 3 tháng hút tiền đầy khởi sắc. Dù vậy, tính từ đầu năm đến nay, cả FinLead ETF và FTSE ETF đều đang hút tiền với giá trị lần lượt hơn 450 tỷ và gần 200 tỷ đồng.


Nhìn chung, dòng vốn đang có dấu hiệu quay trở lại thị trường Việt Nam qua các quỹ ETF bất chấp xu hướng rút vốn đang diễn ra trên toàn cầu do động thái tăng tốc hút tiền của Fed. Điều này mang đến những tín hiệu tích cực bởi biến động của thị trường trong quá khứ thường có sự đồng pha nhất định với xu hướng của dòng vốn ETF.



Bên cạnh đó, triển vọng của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn, đặc biệt trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Việc quỹ đầu tư từ Hong Kong CSOP FTSE Vietnam 30 ETF rót vốn vào TTCK Việt Nam gần đây là một minh chứng rõ ràng. ETF này dự kiến sẽ đầu tư 100% tài sản vào các cổ phiếu Việt Nam và theo chiến lược lấy mẫu đại diện mô phỏng lại chỉ số tham chiếu tập trung vào 30 cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản sôi động.


CSOP là công ty quản lý tài sản tập trung vào đầu tư tại thị trường Trung Quốc. Hiện CSOP quản lý các quỹ đầu tư công ty đại chúng và quỹ tư nhân, cũng như cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư châu Á và toàn cầu. Tính tới ngày 31/8/2022, CSOP đang quản lý hơn 12 tỷ USD.


Theo đánh giá của CSOP, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nhờ môi trường nội địa lẫn toàn cầu thuận lợi, GDP Việt Nam đã tăng trưởng 15 lần trong 25 năm qua. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong 2 năm gần đây bất chấp sự hoành hành của đại dịch COVID-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.


Trước đó, ETF thứ 3 thuộc Dragon Capital là DCVFM VNMidcap ETF cũng đã chính thức niêm yết từ ngày 29/9 vừa qua. ETF này là cái tên đầu tiên tham chiếu theo rổ VNMidcap - chỉ số xây dựng từ 70 cổ phiếu của những doanh nghiệp tầm trung đang niêm yết trên HoSE. Đây là nhóm ưa thích của nhiều nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây nhờ thanh khoản tốt và có mức biến động giá khá lớn.


Sắp tới đây, ETF đầu tiên tham chiếu theo rổ chỉ số VNFinselect (mô phỏng các cổ phiếu trong ngành Tài chính) là KIM Growth VNFinselect ETF cũng sẽ được cho ra mắt. Danh mục của ETF này bao gồm những cổ phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán hàng đầu về thanh khoản và vốn hóa.


Sự xuất hiện của những ETF mới hứa hẹn sẽ mang đến thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư đồng thời đem đến luồng gió mới thu hút dòng vốn đổ vào thị trường thời gian tới.

Nhịp sống thị trường

Comments


bottom of page