top of page
Ảnh của tác giảHiền Trần

Giá vàng trong nước nhảy múa

VN-Index lên gần 1.090 điểm; Xử lý ngân hàng yếu kém: Bước ngoặt mong manh giữa phát triển và thụt lùi; Margin hạ nhiệt; Hồi phục trên diện rộng, rủi ro ngắn hạn vẫn duy trì; Động lực chưa đủ lớn; Saudi Arabia duy trì mức cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 6/11 lao dốc, giảm tới 1,55 triệu đồng/lượng chiều mua vào giảm 1,05 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã hồi phục mạnh, tăng trở lại 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 800.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 68,50 – 69,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 7,1 USD lên 1.992,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng, giá vàng giảm về gần 1.980 USD, nhưng đã hồi phục dần lên trên 1.985 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,93 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 6/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.064 đồng/USD, giảm 20 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.160 – 24.500 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên sát 35.000 USD thì sang phiên hôm nay đã giằng co nhẹ và bật lên trên ngưỡng trên cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,28 USD (+1,59%), lên 81,79 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,24 USD (+1,46%), lên 86,13 USD/thùng.

VN-Index tăng lên gần 1.090 điểm

Thị trường mở cửa khá tích cực và VN-Index có thời điểm đã tiến gần tới ngưỡng 1.090 điểm nhờ sự dẫn dắt của nhóm bluechip, với điểm tựa chính từ các mã ngân hàng.

Sau giờ nghỉ trưa, VN-Index rung lắc nhẹ quanh 1.085 điểm và lực cầu khá tích cực trong đợt khớp lệnh ATC đã giúp bảng điện tử trở nên xanh hơn, đồng thời kéo chỉ số VN-Index lên mức giá cao nhất trong ngày, áp sát mốc 1.090 điểm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 20,27 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 542,55 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 6/11: VN-Index tăng 12,88 điểm (+1,2%), lên 1.089,66 điểm; HNX-Index tăng 1,85 điểm (+0,85%), lên 219,59 điểm; UPCoM-Index tăng 0,89 điểm (+1,06%), lên 85,05 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (3/11), khi báo cáo việc làm yếu kém đã thúc đẩy lợi suất giảm.

Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thêm 150.000 việc làm mới trong tháng 10, thấp hơn so với mức ước tính 170.000. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9%, so với dự báo 3,8%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 4.57% sau khi chạm 5% trong tháng trước.

Trong tuần, Dow Jones tăng 5,07%, chỉ số S&P 500 tăng 5,85% và Nasdaq tăng 6,61%.

Kết thúc phiên 3/11: Chỉ số Dow Jones tăng 222,24 điểm (+0,66%), lên 34.061,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 40,56 điểm (+0,94%), lên 4.358,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 184,09 điểm (+1,38%), lên 13.478,28 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, ảnh hưởng tích cực từ phiên trước đó trên Phố Wall, với các cổ phiếu liên quan đến chip dẫn đầu đà tăng. Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,37% lên 32.708,48 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,64% lên 2.360,46 điểm.

"Phố Wall đã vững vàng vào cuối tuần trước sau khi dữ liệu việc làm yếu hơn dự kiến, khiến các nhà đầu tư mua cổ phiếu Nhật Bản. Bước tiếp theo là xem liệu Nikkei 225 có vượt qua mức 33.000 điểm trong ngắn hạn hay không”, Shuutarou Yasuda, nhà phân tích thị trường tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết.

Phiên này, cổ phiếu các nhà sản xuất chip khởi sắc, với Advantest đã tăng 8,15% để tạo ra sự lực đẩy lớn nhất cho Nikkei 225, theo sau là Tokyo Electron tăng 2,14%. Các cổ phiếu lớn khác cũng tăng với Fast Retailing tăng 1,58% và Recruit Holdings tăng 7,43%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi Bắc Kinh tăng cường nỗ lực ổn định thị trường, trong khi hy vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm của các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng giúp thúc đẩy tâm lý giới đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,91% lên 3.058,41 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,35% lên 3.632,61 điểm.

Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Cường hôm Chủ nhật nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng tiếp cận thị trường và tăng nhập khẩu, điều này hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ hồi sinh niềm tin vào thị trường chứng khoán, với Bộ An ninh cho biết hôm thứ Sáu rằng ổn định tài chính là một phần quan trọng của an ninh quốc gia. Nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng dữ liệu PMI sản xuất đáng thất vọng của Trung Quốc trong tháng 10 cho thấy sự phục hồi kinh tế mong manh.

"Chúng tôi nhận thấy dữ liệu PMI tháng 10 là bằng chứng cho thấy cần hỗ trợ chính sách nhiều hơn để duy trì đà tăng trưởng vì nhu cầu cơ bản vẫn còn yếu. Ngoài ra, lãi suất tại Trung Quốc được duy trì 'thấp hơn trong thời gian dài hơn', trong khi lãi suất bên ngoài 'cao hơn trong thời gian dài hơn' sẽ khiến áp lực dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy ra", các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần, cũng nhờ việc Thủ tướng Trung Quốc cam kết nới lỏng chính sách và đẩy mạnh nhập khẩu khi Bắc Kinh tìm cách tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại lớn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,71% lên 17.966,59 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,14% lên 6.182,05 điểm.

Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu với mức tăng hơn 4%, trong đó, các cổ phiếu lớn như Tencent tăng 3,3%, Tập đoàn Alibaba tăng 2,4% và JD.com tăng 3,8%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh, dẫn đầu bởi đà tăng của các nhà sản xuất pin, khi các nhà chức trách tái áp đặt lệnh cấm bán khống.

Đóng cửa, Chỉ số KOSPI tăng 134,03 điểm, tương đương 5,66%, lên 2.502,37 điểm. Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) của Hàn Quốc cho biết, giao dịch bán khống sẽ bị cấm đối với các cổ phiếu thuộc Chỉ số Kospi 200 và Chỉ số Kosdaq 150 từ ngày 6/11 cho đến cuối tháng 6/2024.

"Có khả năng giá cổ phiếu sẽ nhận được động lực mạnh ngắn hạn trong tuần này, đặc biệt là các cổ phiếu tăng trưởng, chẳng hạn như lĩnh vực pin sạc và dược phẩm sinh học, vốn chịu ảnh hưởng bởi việc bán khống lớn", Han Ji-young, nhà phân tích tại Kiwoom Securities, cho biết.

Cổ phiếu các nhà sản xuất pin bùng nổ với LG Energy Solution tăng 22,76%, công ty mẹ LG Chem tăng 10,6%, trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation tăng 11,5% và 13,42%.

Kết thúc phiên 6/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 758,59 điểm (+2,37%), lên 32.708,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,61 điểm (+0,91%), lên 3.058,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 302,47 điểm (+1,71%), lên 17.6966,59 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 134,03 điểm (+5,66%), lên 2.502,37 điểm.


Theo Tin nhanh chứng khoán

Comentários


bottom of page