top of page

Giá bán bất động sản đang tăng từng ngày

Ảnh của tác giả: Hiền TrầnHiền Trần
Đó là thông tin được doanh nghiệp Bất động sản nhấn mạnh trong một toạ đàm diễn ra ngày 12.12, liên quan đến dòng chảy tài chính trên thị trường bất động sản.

Giá bất động sản vẫn đang tăng lên hàng ngày. Ảnh minh hoạ
Giá bất động sản vẫn đang tăng lên hàng ngày. Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest, cho rằng vấn đề quan trọng nhất cần phải giải quyết ở thời điểm hiện tại là tình trạng lệch pha cung - cầu của thị trường.


“Giá bán của các dự án bất động sản vẫn đang tăng lên hàng ngày”, ông Hiệp nêu.


Chẳng hạn tại dự án The Nine (Mai Dịch, Cầu Giấy) trong quý 2.2022 được rao bán với giá từ khoảng 45 - 60,4 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trong quý 3.2023 đã tăng lên 58,8 - 69,2 triệu đồng/m2.


Như vậy, giá bán căn hộ tại dự án này đã tăng 17,2% trong vòng 1 năm qua. “Điều này cho thấy, với phân khúc ở thực, nhu cầu thực rất cao nhưng nguồn cung lại khan hiếm”, ông Hiệp nói.


Về nguyên nhân của sự lệch pha cung cầu này, Chủ tịch GP. Invest cho rằng vấn đề nằm ở những ách tắc trong pháp lý.


"70% vướng mắc là ở pháp lý, đây là vấn đề tôi đã nói rất nhiều lần ở nhiều diễn đàn nhưng hôm nay tôi vẫn phải nhấn mạnh bởi chỉ có tháo gỡ về mặt pháp lý thì thị trường bất động sản mới được khơi thông”, ông Hiệp cho hay.


Lãnh đạo GP. Invest phản ánh rằng hiện nay cần quá nhiều thủ tục hành chính, điều này ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.


Để khơi thông dòng tài chính bất động sản, ông Hiệp đề xuất cần tiếp tục khôi phục niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp bởi rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang loay hoay với trái phiếu.



Ngoài ra, Chủ tịch GP. Invest Nguyễn Quốc Hiệp cũng khuyến nghị doanh nghiệp bất động sản cần tận dụng tốt dòng vốn FDI bởi dòng vốn này đang khá rẻ.


Cuối cùng, để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng đề xuất các cơ quan liên quan cần sớm có phương án định giá đất cho địa phương áp dụng, đồng thời rút ngắn quy trình để hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp kịp thời hơn.


Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property chia sẻ: "Tôi tham gia thị trường bất động sản đã được 20 năm, có thể nói chưa bao giờ thấy doanh nghiệp khó khăn như bây giờ, khó từ sản xuất, thương mại sang xuất nhập khẩu, bất động sản. Công nhân thất nghiệp rất nhiều. Bởi vậy, nếu chúng ta kỳ vọng thị trường bất động sản tươi sáng lên trong ngắn hạn thì rất khó. Cục máu đông của thị trường bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp”.


Theo ông Toản, hết năm 2024 là hết thời gian gia hạn theo Nghị định 08. Quan sát của ông cho thấy hầu như không có doanh nghiệp bất động sản nào có đủ dòng tiền để trả nợ trái phiếu. “Đó là điều rất nguy hiểm, nếu bùng nổ sẽ rất nguy hại", ông Toản nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, thị trường bất động sản còn nhiều vấn đề khác về pháp lý. "Các chuyên gia đã nói nhiều về thủ tục pháp lý, tôi xin nhấn mạnh khó khăn về việc định giá đất để xác định tiền sử dụng đất. Rất nhiều doanh nghiệp “vỡ trận” vì tiền sử dụng đất. Hệ lụy là các địa phương cũng gặp khó trong việc thu ngân sách.


Tôi ví dụ có địa phương ở Miền Bắc, tính thu tiền sử dụng đất năm 2023 hơn 12.000 tỷ đồng nhưng giờ mới thu được khoảng 1.100 tỷ đồng. Nguyên do là chẳng được mấy doanh nghiệp đóng tiền, đa phần đang đi khiếu kiện. Tôi cho rằng Luật Đất đai phải rất rõ ràng về tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp", ông Toản nói.


Ở một góc độ khác, CEO EZ Property cho rằng, thị trường bất động sản bắt đầu khó từ năm 2018, nhưng Luật Đất đai đã có từ 2013.


“Vậy 5 năm từ 2013 tới 2018, vì sao thị trường vẫn chạy tốt? Và vì sao các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc có thị trường bất động sản rất tốt mà nhiều tỉnh khác lại khó khăn? “, ông Toản đặt vấn đề.


Trả lời cho câu hỏi này, theo ông Toản, đó là vì con người, do cách nhìn nhận và hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta thấy hiện nay làm nhà ở xã hội còn khó hơn nhà ở thương mại, vì quá nhiều thủ tục, tính tiền sử dụng đất rồi lại miễn, riêng quá trình đó mất 2 năm. “Có những dự án 8 năm rồi không xong được pháp lý, trong khi chủ trương đầu tư đã có rồi. Tôi cho rằng lối ra của thị trường bất động sản trước tiên là pháp lý", ông Toản cho hay.


Cũng theo ông Toản, phải giảm được giá cả. Để giảm giá cả, Chính phủ phải có quỹ đầu tư nhà ở/đầu tư bất động sản. Ví dụ, ở các cửa ngõ Thủ đô, Chính phủ dùng quỹ đầu tư đó cho xây 4 khu đô thị, mỗi khu đô thị vài trăm hecta.


"Tôi tin rằng khi đó giá nhà sẽ được kiểm soát. Còn bây giờ một khu cũng không có, không ai làm cả. Đó là do cơ chế, chính sách chứ không phải do con người", Tổng giám đốc EZ Property nhấn mạnh.


Theo Thanhnienviet


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn


コメント


bottom of page