top of page
Ảnh của tác giảRobert Nguyen

Gần 800 mã giảm đỏ, hàng chục cổ phiếu nằm sàn, VN-Index mất gần 36 điểm với thanh khoản tỷ USD


Giao dịch rất sôi động đã đẩy thanh khoản thị trường lên rất cao. Giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ trong phiên sáng đã vượt 26.300 tỷ đồng (~1,1 tỷ USD).


Sau khi bất ngờ rơi gần 30 điểm, đà giảm của thị trường có phần chững lại khi lực bán bớt dồn dập và cầu bắt đáy nhập cuộc. Tuy nhiên, trạng thái này không duy trì được lâu bởi áp lực bán sau đó lại gia tăng mạnh và tiếp tục lan rộng.

Lực bán áp đảo trên các cổ phiếu vốn hoá lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Nhiều cổ phiếu bất động sản cũng quay đầu giảm mạnh từ mức giá cao đầu phiên khiến thị trường thiếu lực đỡ. Số lượng cổ phiếu giảm sâu gia tăng nhanh chóng, đã có thêm CTG, GAS, NLG, KDH,… chạm sàn bên cạnh những cái tên đã "rụng" sớm từ đầu phiên.

VN-Index có thời điểm mất hơn 40 điểm trước khi tạm dừng phiên sáng với mức giảm 35,91 điểm (-2,84%) xuống 1.227,87 điểm. Số mã giảm đỏ lên đến 799 mã, áp đảo hoàn toàn so với chiều tăng giá. Trong đó, 25 cổ phiếu vẫn đang dừng ở giá sàn dù thị trường đã thu hẹp đôi chút đà giảm so với mức thấp nhất phiên.

Đáng chú ý, giao dịch rất sôi động đã đẩy thanh khoản thị trường lên rất cao. Giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ trong phiên sáng đã vượt 26.300 tỷ đồng (~1,1 tỷ USD). Tính chung cả 3 sàn, con số này lên đến gần 29.500 tỷ đồng. Khối ngoại cũng tạo thêm áp lực khi bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên HoSE trong phiên sáng.

========================================

Sau thời gian giằng co trên đỉnh 15 tháng, thị trường chứng khoán phiên đầu tuần bất ngờ giảm mạnh dưới áp lực bán dồn dập sau 10h sáng. VN-Index có lúc đã giảm đến gần 30 điểm và lùi về gần ngưỡng 1.230 điểm. Giao dịch đặc biệt sôi động với giá trị khớp lệnh đạt gần 15.000 tỷ đồng chỉ sau hơn một giờ mở phiên.

Lực bán áp đảo trên diện rộng, mức giảm trên 3% trở nên phổ biến trong nhóm vốn hoá lớn. Đặc biệt, hầu hết các cổ phiếu đã tăng nóng thời gian qua đều bị chốt lời mạnh, DGC, VTP, GVR, VGC, SIP,… có thời điểm chạm sàn.

Nhìn chung, áp lực chốt lời là dễ hiểu khi thị trường đã có giai đoạn tăng dài trước đó mà chưa có nhịp điều chỉnh nào thực sự rõ rệt. VN-Index tăng gần 12% từ đầu năm, cùng với đó là rất nhiều cổ phiếu tăng bằng lần, vượt đỉnh lịch sử,… Việc thị trường giảm mạnh một phần xuất phát từ lo ngại rủi ro VN-Index hình thành mô hình 2 đỉnh khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích - Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco cho rằng thị trường sẽ phải tiếp tục trải qua những nhịp tăng/giảm với biên độ rộng trong tuần tới trước khi xuất hiện xu hướng rõ ràng hơn do vùng 1.280-1.300 điểm được đánh giá là ngưỡng cản khá mạnh của VN-Index. Bên cạnh đó, những chỉ báo về động lượng đang có phần suy yếu cho thấy chỉ số sẽ cần thời gian tích lũy trở lại nếu như muốn tiếp tục xu hướng tăng điểm chủ đạo. Rủi ro thiết lập mô hình hai đỉnh chỉ được thực sự tính đến trong kịch bản ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý 1.250 điểm bị phá vỡ.

Bên cạnh đó, áp lực bán ròng gia tăng của khối ngoại thời gian gần đây cũng là yếu tố cản chân thị trường. Dù triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá cao nhưng trong ngắn hạn dòng vốn này khó tránh khỏi ảnh hưởng bởi xu hướng chung trên thế giới. Động thái bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian khoảng 2 tuần qua theo ông Huy là diễn biến tiêu cực dễ hiểu.

Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC cho rằng chưa xuất hiện những rủi ro quá lớn nhưng thị trường dần ghi nhận nhiều hơn các yếu tố tiêu cực. Hiện thị trường thế giới đang ở vùng nhạy cảm khi đà tăng của các TTCK đang chững lại khi vào tín hiệu quá mua và chờ đợi kỳ họp của Fed ở giữa tuần tới. CPI của Mỹ tháng Hai tiếp tục tăng cao và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh trở lại là những tín hiệu rất cần đáng lưu ý. Kỳ họp của Fed vào ngày 20-21/3 tới đây sẽ mang tính định hướng rất lớn cho các thị trường tài sản.

Theo Cafef


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn

Comments


bottom of page