top of page
Ảnh của tác giảHiền Trần

Fed giữ nguyên lãi suất: Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh theo thế giới

Cùng chung xu hướng với các thị trường thế giới, chứng khoán Việt Nam cũng giảm mạnh sau thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong khoảng 5,25 - 5,5%.

Chốt phiên giao dịch ngày 21/9, VN-Index giảm 134,37 điểm xuống 1.212,74 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 963,6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 23.019,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 150 mã tăng giá, 370 mã giảm giá, 48 mã đứng giá.


HNX-Index giảm 2,95 điểm xuống 251,87 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 112 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 2.384,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 73 mã tăng giá, 101 mã giảm giá và 66 mã đứng giá.


UPCOM-Index giảm 0,96 điểm xuống 92,39 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 76 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.378,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 153 mã tăng giá, 114 mã giảm giá và 97 mã đứng giá.


Chứng khoán Việt Nam ngày 21/9 giảm mạnh theo thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN
Chứng khoán Việt Nam ngày 21/9 giảm mạnh theo thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN

Cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm kéo theo chỉ số VN-Index đi xuống. Theo đó, trong rổ VN30 có tới 25 mã giảm giá, trong khi chỉ có 3 mã tăng giá.


Các nhóm cổ phiếu chính như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, bất động sản đều ngập trong sắc đỏ.


Khối ngoại nối chuỗi bán ròng lên phiên thứ 4 liên tiếp. Giá trị bán ròng hơn 473 tỷ đồng. HPG, SSI, POW, CTG là những mã bị bán nổi bật.


Thực tế, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tiêu cực, chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.


Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến đồng pha với chứng khoán thế giới, VN-Index liên tục chịu áp lực bán ở hầu hết tất cả các nhóm ngành ngay từ đầu phiên sáng.


Tuy áp lực bán chủ động không quá lớn nhưng việc lực cầu thưa thớt đã khiến cho VN-Index liên tục mất điểm và lùi về khu vực 1.220 điểm.

Phiên chiều tiếp tục ghi nhận sự tiêu cực của thị trường với hơn 350 mã giảm điểm.


Theo thống kê, chỉ có số ít các nhóm ngành duy trì được sắc xanh khiêm tốn, trong đó có nhóm cổ phiếu thép với mức tăng xấp xỉ 0,7%.


Ở chiều ngược lại, chứng khoán và bán lẻ là 2 nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh lớn nhất với mức giảm lần lượt là 1,56% và 2,11%.


Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong khoảng 5,25 - 5,50%, trong khi các dự báo cập nhật cho thấy 12/19 nhà hoạch định chính sách của cơ quan này ủng hộ một đợt tăng lãi suất nữa vào năm 2023 để đảm bảo lạm phát tiếp tục giảm tốc.


Ngân hàng trung ương Mỹ cũng dự báo chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng ít hơn trong năm 2024, nhờ vào sự mạnh mẽ của nền kinh tế và thị trường lao động.


Giới đầu tư đánh giá đây là một động thái dừng chân để tiến xa hơn trong lãi suất của Fed vì Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa không tuyên bố kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng này.


Sau quyết định nói trên, đồng USD tăng giá so với đồng euro và các đồng tiền lớn khác, trong khi cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều khép phiên trong sắc đỏ.

Trong đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2% xuống 34.440,88 điểm. Còn chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm tới 0,9% xuống 4.402,20 điểm. Giảm mạnh nhất trong phiên này là chỉ số công nghệ Nasdaq khi với 1,5% xuống 13.469,13 điểm.


Còn tại châu Âu, tình hình có vẻ đỡ ảm đạm hơn khi chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Anh) tăng 0,9% lên 7.731,65 điểm. Chỉ số DAX của thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,8% lên 15.781,59 điểm trong khi chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) tăng 0,7% lên 7.330,79 điểm. Chỉ số Euro Stoxx 50 tăng 0,8% lên 4.275,98 điểm.


Một loạt ngân hàng trung ương cũng sẽ đưa ra quyết định về lãi suất trong ngày 21/9, bao gồm Anh, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỹ, Indonesia và Nam Phi.


Trước đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lãi suất, nhưng số liệu được công bố ngày 20/9 cho thấy lạm phát tại nước này đã bất ngờ chạm mức thấp nhất 18 tháng qua trong tháng Tám.


Sau Fed và BoE, thị trường sẽ hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) trong ngày 22/9. Các quan chức của BoJ gần đây phát đi tín hiệu có thể bắt đầu chuyển hướng khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng được áp dụng suốt một thời gian dài vừa qua./.


Theo BNews


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn



Comments


bottom of page