top of page
Ảnh của tác giảMilosh Phạm (Huy)

Dự báo lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới năm 2024

Năm 2024, lạm phát bình quân toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống 5,8%, từ mức 6,8% của năm 2023...


Trên toàn cầu, tình hình lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định vẫn có nguy cơ xảy ra một làn sóng lạm phát tăng mạnh do xung đột địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, thị trường lao động mạnh hơn dự báo cũng có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, từ đó đẩy giá cả leo thang.


Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện dự báo lạm phát tại các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới năm 2024, dựa trên dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).


Năm 2024, lạm phát bình quân toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống 5,8%, từ mức 6,8% của năm 2023. IMF nhận định áp lực giá cả trên thế giới sẽ giảm bớt khi các quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giá năng lượng giảm, cùng với thị trường lao động mạnh.


Venezuela, nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, được dự báo ghi nhận lạm phát lên tới 230% năm 2024 – mức cao nhất thế giới. Suốt thập kỷ qua, quốc gia này đối mặt tình trạng siêu lạm phát, thậm chí lên tới 9.586% vào năm 2019. Kể từ khi Mỹ nới lỏng một số cấm vận với Venezuela vào năm ngoái, lạm phát tại nước này đã giảm đáng kể nhờ chi tiêu của chính phủ giảm và quá trình đôla hóa nền kinh tế được đẩy mạnh, từ đó giúp đồng nội tệ bolivar tăng giá.


Tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế chậm lại được nhận định sẽ là nguyên nhân giúp giảm lạm phát về mức 2,6% năm 2024. Con số này gần với mức mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi liên tục tăng lãi suất trong năm qua. Dù Fed đã phát tín hiệu rằng những điều tồi tệ nhất đã qua, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiềm ẩn những nguy cơ có thể đẩy lạm phát tăng lên. Tính tới tháng 11/2023, lượng tiền tiết kiệm dư thừa (excess savings) cộng dồn của các hộ gia đình Mỹ là 290 tỷ USD và số tiền này có thể tiếp tục đẩy nhu cầu tiêu dùng và từ đó kéo lạm phát đi lên.


Tại châu Âu, lạm phát của các nền kinh tế phát triển được dự báo ở mức bình quân 3,3% trong năm nay. Giá khí đốt giảm và tăng trưởng GDP chậm lại có thể giúp kìm hãm lạm phát tại khu vực này.


Ở châu Á, Trung Quốc đang đối mặt tình trạng giảm phát do cuộc khủng hoảng bất động sản. Trong bối cảnh hoạt động kinh tế ảm đạm, ngành sản xuất suy giảm và niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp, lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo là 1,7% năm 2024.


Việt Nam được dự báo ghi nhận lạm phát 3,4% năm 2024. Con số này thấp hơn mức lạm phát mục tiêu đã được Quốc hội thông qua cho năm nay là từ 4%-4,5%. Năm 2023, lạm phát bình quân của Việt Nam tăng 3,25%.


Theo VNEconomy


 Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn


Comments


bottom of page