top of page

Đồng đô la tiếp tục tăng mạnh gây lo ngại tới các thị trường mới nổi ở Châu Á

Cập nhật sáng đầu tuần (18/7), chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 107,89 điểm.



Tỷ giá euro so với USD tăng 0,07% ở mức 1,0095. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,14% ở mức 1,1885. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,12% ở mức 138,36.


Theo Investing, đồng USD mở phiên tuần mới ở mức cao sau nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tuần qua khi các nhà đầu tư đánh giá rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ tăng lãi suất cao trong cuộc họp vào cuối tháng này. Tuần qua, các nhà đầu tư đã chốt lời đáng kể sau một đợt phục hồi mạnh mẽ đưa đồng bạc xanh lên mức cao nhất trong hai thập kỷ vào tuần trước.


Trước đó, đồng USD đã tăng vọt với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn và xa hơn so với các ngân hàng trung ương khác khi dữ liệu lạm phát tăng lên mức cao nhất trong bốn thập kỷ. Chưa kể, đà tăng còn được củng cố sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng hơn dự kiến trong tháng 6.


Các dữ liệu khác thì cho thấy sản lượng sản xuất sụt giảm trong tháng thứ hai liên tiếp là tháng 6 và người tiêu dùng Mỹ đã làm dịu kỳ vọng lạm phát của họ trong tháng 7. Tỷ lệ đặt cược tăng 100 điểm cơ bản cũng đã giảm sau khi hai trong số các quan chức Fed quyết liệt nhất vào hôm thứ 5 cho biết họ kỳ vọng mức tăng 75 điểm cơ bản.


Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic hôm cuối tuần qua cũng cảnh báo về việc Fed hành động quá đột ngột có thể làm suy yếu việc làm đáng kể và các xu hướng vốn đang tích cực khác trong nền kinh tế. Các quỹ tương lai lãi suất hiện ghi nhận 81% cơ hội tăng 75 điểm cơ bản và 19% cơ hội tăng 100 điểm cơ bản.


Trong khi đó chỉ số MSCI châu Á ngoài Nhật Bản đã giảm hơn 20% khi các nhà đầu tư nước ngoài rút ròng 71 tỷ USD khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á ngoài Trung Quốc trong năm nay, gấp đôi so với mức rút ròng vào năm 2021.


Đồng đô la gần đây đã áp đảo các thị trường tiền tệ toàn cầu khi được hưởng lợi từ kỳ vọng vào các đợt tăng lãi suất nhanh chóng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đồng bạc xanh mạnh hơn báo hiệu sự suy yếu của chứng khoán châu Á khi mức độ chấp nhận rủi ro giảm hơn và cũng được coi là tiêu cực đối với tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi, nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào hàng nhập khẩu được định giá bằng đồng đô la.


Zhikai Chen, người đứng đầu bộ phận chứng khoán châu Á tại BNP Paribas Asset Management cho biết: “Đồng đô la đang mạnh lên vì có tâm lý ngại rủi ro hơn là tăng trưởng và đó là sự kết hợp không tốt đối với tài sản châu Á”.


Tất cả 10 nhóm ngành trong chỉ số MSCI châu Á ngoài Nhật Bản đều chìm trong sắc đỏ trong năm nay.


Theo một nghiên cứu của các nhà phân tích BNP Paribas Securities vào năm ngoái, đối với những nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng vào mua các cổ phiếu khi giảm sâu, các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và viễn thông Đài Bắc (Trung Hoa), các công ty công nghệ thông tin Ấn Độ, các cổ phiếu thuộc chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc và cổ phiếu năng lượng của Malaysia đều hoạt động tốt hơn trong các giai đoạn đồng tiền châu Á giảm giá tương tự trong thập kỷ qua.


Christina Woon, Giám đốc đầu tư chứng khoán châu Á tại abrdn plc cho biết: “Từ góc độ dòng vốn ngoại và tâm lý, chứng khoán châu Á có xu hướng kém hiệu quả hơn trong ngắn hạn khi đồng đô la tăng giá. Nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy một số đối tượng hưởng lợi, chẳng hạn như các nhà xuất khẩu hoặc các công ty có các mối quan tâm tập trung vào nội địa hơn thì đồng đô la mạnh hơn ít là vấn đề”.


Tổng hợp

Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.mastertraders.vn

Comments


bottom of page