Dưới góc nhìn của những người trực tiếp nắm rõ vấn đề, vòng gọi vốn mới của OpenAI được kỳ vọng sẽ diễn ra dưới dạng trái phiếu chuyển đổi. Họ tiết lộ rằng mức định giá 150 tỷ USD của công ty sẽ phụ thuộc vào khả năng tái cấu trúc doanh nghiệp và loại bỏ giới hạn lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Thông tin về các điều kiện khoản đầu tư 6,5 tỷ USD, vốn chưa từng được công bố trước đây, cho thấy OpenAI, công ty AI khởi nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới, đã tiến xa đến mức nào so với xuất phát điểm là một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào nghiên cứu. Điều này phản ánh những thay đổi mà công ty sẵn sàng thực hiện để thu hút thêm vốn đầu tư, hỗ trợ cho mục tiêu phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) – dạng AI có khả năng vượt qua trí thông minh của con người.
Theo nguồn tin, vòng gọi vốn lớn này đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư và có khả năng sẽ hoàn tất trong vòng hai tuần tới, nhờ vào sự tăng trưởng doanh thu nhanh chóng của OpenAI.
Các nhà đầu tư hiện tại như Thrive Capital, Khosla Ventures và Microsoft (MSFT.O) dự kiến sẽ tiếp tục tham gia. Những cái tên mới như Nvidia (NVDA.O) và Apple (AAPL.O) cũng đang có kế hoạch đầu tư. Bên cạnh đó, Sequoia Capital cũng đang trong quá trình thảo luận để quay lại với tư cách là nhà đầu tư.
Theo các nguồn tin ẩn danh trao đổi với Reuters, nếu việc tái cấu trúc thất bại, OpenAI sẽ phải đàm phán lại mức định giá với các nhà đầu tư, điều này có thể dẫn đến việc cổ phiếu của họ bị chuyển đổi ở mức giá thấp hơn.
Khi được hỏi về các vấn đề tài chính và những thay đổi có thể xảy ra, OpenAI đã đưa ra tuyên bố rằng họ vẫn cam kết xây dựng AI vì lợi ích chung của mọi người, đồng thời phối hợp chặt chẽ với hội đồng phi lợi nhuận của mình.
Người phát ngôn của công ty chia sẻ: "Tổ chức phi lợi nhuận này là trung tâm trong sứ mệnh của chúng tôi và sẽ tiếp tục được duy trì."
Việc dỡ bỏ giới hạn lợi nhuận sẽ cần sự chấp thuận từ hội đồng quản trị phi lợi nhuận của OpenAI, trong đó có Giám đốc điều hành Sam Altman, doanh nhân Bret Taylor, và bảy thành viên khác.
Nguồn tin cho biết thêm, xác nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông, OpenAI cũng đã tham khảo ý kiến luật sư về khả năng chuyển đổi từ cấu trúc phi lợi nhuận sang công ty vì lợi nhuận, giống như các đối thủ cạnh tranh như Anthropic và xAI.
Hiện chưa rõ liệu những thay đổi cơ bản trong cấu trúc doanh nghiệp có thể xảy ra hay không. Việc dỡ bỏ giới hạn lợi nhuận, vốn giới hạn mức lợi nhuận mà các nhà đầu tư có thể thu được từ công ty con vì lợi nhuận của OpenAI, sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho những nhà đầu tư ban đầu.
Điều này cũng có thể đặt ra các câu hỏi về cách thức quản trị của OpenAI và liệu công ty có đang xa rời sứ mệnh phi lợi nhuận ban đầu của mình. Theo OpenAI, giới hạn lợi nhuận được thiết lập để đảm bảo quá trình nghiên cứu, phát triển và triển khai AGI cân bằng giữa yếu tố thương mại, an toàn và bền vững, thay vì chỉ tập trung tối đa hóa lợi nhuận.
Được thành lập vào năm 2015 tại San Francisco như một dự án nghiên cứu phi lợi nhuận, OpenAI ban đầu nhắm đến việc phát triển AI vì lợi ích chung của nhân loại. Hiện tại, công ty vẫn do một tổ chức mẹ phi lợi nhuận kiểm soát.
Công ty đã đẩy mạnh quá trình thương mại hóa thông qua việc bán các dịch vụ như ChatGPT dưới dạng đăng ký cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp, hiện đã có hơn 200 triệu người dùng.
Những nhà đầu tư hiện tại đang phải tuân theo một số giới hạn về lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ, và mọi khoản lợi nhuận vượt quá sẽ được chuyển cho tổ chức phi lợi nhuận.
Lợi nhuận của các nhà đầu tư trong vòng tài trợ đầu tiên của OpenAI bị giới hạn ở mức gấp 100 lần số tiền họ đã đầu tư. "Chúng tôi kỳ vọng hệ số này sẽ thấp hơn cho các vòng tài trợ tiếp theo," OpenAI từng chia sẻ trong bài đăng blog vào năm 2019, giải thích về cấu trúc này.
Trong những năm gần đây, OpenAI đã huy động được hơn 10 tỷ USD, chủ yếu từ Microsoft. Vào tháng 2 vừa qua, công ty được định giá khoảng 80 tỷ USD trong một thỏa thuận chào bán cổ phiếu hiện có do Thrive Capital dẫn dắt.
Tiến Sơn
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
コメント