VN-Index thêm một phiên giảm sâu; Ngân hàng Nhà nước hút mạnh tiền, lãi suất liên ngân hàng tăng; Các quỹ đầu tư lạc quan về thị trường; Chờ cổ phiếu gạo thành... "cơm"; Nâng hạng thị trường: Mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư ngoại… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 18/10 tăng 250.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 69,65 – 70,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 2,8 USD lên 1.922,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên gần 1.945 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,24 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.096 đồng/USD, tăng 3 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.350 – 24.690 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 28.600 USD thì sang phiên hôm nay đã chững lại vài đi ngang trước khi có nhịp giảm về 28.300 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,65 USD (+3,06%), lên 89,31 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 2,61 USD (+2,90%), lên 92,42 USD/thùng.
VN-Index biến động mạnh
Thị trường sau phiên sáng trải qua rung lắc và giảm điểm nhẹ, nhưng tâm lý nhà đầu tư có phần tích cực hơn khi giao dịch sôi động giúp thanh khoản có sự trở lại khá mạnh mẽ.
Tuy nhiên, áp lực bán đã bất ngờ gia tăng rất mạnh sau thời điểm 14h, với hàng trăm mã giảm và hàng chục mã giảm sàn, VN-Index theo đó cũng lao mạnh rơi gần 35 điểm, lực bán có phần dịu lại, giúp chặn đà rơi của thị trường và lực cầu bắt đáy trong phiên ATC đã kéo VN-Index đóng cửa trên đường MA200 quanh 1.110 điểm.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 13,51 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 576,32 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 18/10: VN-Index giảm 18,25 điểm (-1,63%), xuống 1.103,4 điểm; HNX-Index đóng cửa giảm 2,92 điểm (-1,27%), xuống 227,11 điểm; UPCoM-Index giảm 0,71 điểm (-0,82%), xuống 85,95 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên thứ Ba (17/10) khi đón nhận dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 9 cao hơn dự báo, làm tăng khả năng Fed có thể tăng lãi suất vào năm sau.
Cụ thể, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,7% trong tháng 9. Trong khi dữ liệu được điều chỉnh cho tháng 8 cho thấy doanh số bán lẻ tăng 0,8% thay vì 0,6% như báo cáo trước đó. Các nhà kinh tế dự báo doanh số bán lẻ chỉ tăng 0,3% trong tháng 9.
Kết thúc phiên 17/10: Chỉ số Dow Jones tăng 13,11 điểm (+0,03%), lên 33.997,65 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,43 điểm (-0,00%), xuống 4.373,20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 34,24 điểm (-0,25%), xuống 13.533,75 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản gần như không đổi, khi các nhà đầu tư thận trọng cân nhắc giữa dữ liệu kinh tế Trung Quốc tốt hơn dự báo so với khả năng Fed trở nên diều hâu hơn.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,01% lên 32.042,25 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,14% lên 2.295,34 điểm.
Doanh số bán lẻ mạnh mẽ trong tháng 9 của Mỹ đã làm tăng tiềm năng cho một giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài hơn của Fed, vào thời điểm các nhà đầu tư đang gặp khó khăn về nhận định xu hướng thị trường do xung đột leo thang ở Gaza.
"Thị trường đang trong tâm trạng thận trọng", trong bối cảnh rủi ro về một cuộc xung đột mở rộng ở Gaza và triển vọng Fed thậm chí có thể tăng lãi suất một lần nữa, Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại Capital.com cho biết.
Tuy nhiên, các chỉ số chính của Trung Quốc như GDP, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp đánh bại dự báo "chỉ ra những điểm tích cực trong nền kinh tế Trung Quốc", ông nói.
khoán Trung Quốc giảm, khi dữ liệu GDP quý III tích cực đã không bù đắp được cho những lo ngại về lệnh cấm xuất khẩu chip mở rộng của Mỹ.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,8% xuống 3.058,71 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,79% xuống 3.610,58 điểm.
GDP quý III của Trung Quốc tăng 1,3% so với quý trước đó, lấy lại động lực sau khi mức tăng 0,5% của quý II và tính trên cơ sở hàng năm đã tăng 4,9%, cao hơn con số dự báo của Reuters là 4,5%.
"Nếu những biện pháp nới lỏng tiếp tục diễn ra, tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Trung Quốc vẫn có thể đạt mức 5% chính thức. Nhưng rủi ro là nếu Bắc Kinh đưa chính sách trở lại trạng thái bình bình thường sớm, thì tăng trưởng có thể thấp hơn mục tiêu chính thức vì niềm tin của khu vực tư nhân và người tiêu dùng vẫn còn yếu", Chi Lo, chiến lược gia thị trường cấp cao khu vực châu Á Thái Bình Dương tại BNP Paribas Asset Management cho biết.
Tuy nhiên, nỗi lo lại một lần nữa ập tới, sau khi The New York Times đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố giới hạn bổ sung đối với các loại chất bán dẫn tiên tiến mà các công ty Mỹ có thể bán cho Trung Quốc. Quy định này tiếp nối những biện pháp mà Washington ban hành vào tháng 10/2022 nhằm hạn chế khả năng phát triển của Bắc Kinh trong lĩnh vực AI.
Các loại chip bị hạn chế trong đợt giao hàng lần này là sản phẩm của Nvidia. Theo lệnh mới, hầu hết chuyến hàng bán dẫn tiên tiến từ Mỹ đến các trung tâm dữ liệu của Trung Quốc đều sẽ bị đình trệ.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi lo ngại trỗi dậy về cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra ở Trung Quốc và cuộc xung đột Israel-Hamas gia tăng đang đẩy giá dầu và gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,23% xuống 17.732,52 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,28% xuống 6.975,68 điểm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản lao dốc khi Country Garden đứng trước bờ vực vỡ nợ, sau khi khoảng thời hạn ân hạn thanh toán trái phiếu nước ngoài trị giá 15 triệu USD đã hết và Country Garden không có thông tin thanh toán.
Một trái chủ của Country Garden, người từ chối tiết lộ danh tính, cho biết ông đã không nhận được khoản thanh toán trái phiếu khi thời gian ân hạn 30 ngày kết thúc.
Chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều tăng nhẹ sau dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc được công bố và cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô dẫn đầu mức tăng.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 2,43 điểm, tương đương 0,10%, lên 2.462,60 điểm.
"Dữ liệu của Trung Quốc hỗ trợ niềm tin của thị trường vào chu kỳ kinh tế chạm đáy, nhưng những lo ngại vẫn tồn tại về các vấn đề bất động sản của nước này", Choi Yoo-june, một nhà phân tích tại Shinhan Securities cho biết.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào thứ Năm.
Phiên này, cổ phiếu của nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 1,59%, kéo dài đà tăng trong ngày thứ hai liên tiếp, trong khi cổ phiếu cùng ngành SK Hynix kết thúc đi ngang.
Kết thúc phiên 18/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1,96 điểm (+0,00%), lên 32.042,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 24,79 điểm (-0,80%), xuống 3.058,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 40,82 điểm (-0,23%), xuống 17.732,52 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 2,43 điểm (+0,01%), lên 2.462,60 điểm.
Theo Tin nhanh chứng khoán
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Kommentare