TP HCM-Dù đã cắt 50-70% nhân sự năm 2022, nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục thu hẹp bộ máy để vượt khủng hoảng.
Tập đoàn Đất Xanh cho biết đã sàng lọc đội ngũ bán hàng của toàn hệ thống, quý cuối cùng của năm ngoái có 3.191 nhân sự rời công ty. Thế nhưng, đến tháng 3 năm nay, doanh nghiệp tiếp tục giảm thêm 1.384 người so với đầu năm.
Đất Xanh Service, công ty con phụ trách hoạt động môi giới của Đất Xanh Group, cũng biến động nhân sự. Cụ thể, cuối năm 2022 đơn vị này giảm hơn 3.000 nhân viên, còn giữ lại 3.340 người. Sang năm 2023, công ty tiếp tục cắt xuống mức chỉ còn 2.095 người tính đến ngày 30/3. Trong bối cảnh thị trường được dự báo vẫn diễn biến xấu năm 2023, lãnh đạo Đất Xanh thừa nhận cuộc thanh lọc nhân sự nhiều khả năng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhóm Đất Xanh chỉ là mắt xích điển hình trong vòng xoáy đào thải khốc liệt của thị trường bất động sản. Một ông lớn khác, Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland) cũng đã thu hẹp nhân sự suốt giai đoạn giữa cuối năm 2022 đến ngày 31/3 chỉ còn 1.362 nhân viên.
Bất động sản khu Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Thực trạng này trái ngược hoàn toàn với năm 2021 doanh nghiệp đặt ra mục tiêu tuyển dụng 2.000 nhân sự mới. Với kết quả kinh doanh lỗ ròng hơn 410 tỷ đồng trong quý I, là quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết (năm 2016) do doanh thu sụt giảm gần 70% so với cùng kỳ, Novaland phải thu hẹp nhân sự để tiết kiệm định phí. Quý I, chi phí nhân viên của công ty này giảm 68% sau khi cắt giảm nhân sự, góp phần tiết giảm tổng chi phí bán hàng và quản lý.
Cách đây 2 năm, trên trang web của tập đoàn này còn dự kiến đến năm 2023, số lượng nhân sự thuộc hệ sinh thái đa dạng của NovaGroup (gồm Service, Consumer, Tech, Capital Partners, Logistic, Industry, Finance và Novaland) ước tính sẽ lên đến 40.000 người để có thể phục vụ cho các kế hoạch đường dài. Tuy nhiên, những khó khăn từ năm 2022 đến nay khiến chiến lược nhân sự của tập đoàn này buộc phải thay đổi.
Tính đến 29/5, khá nhiều công ty môi giới bất động sản là đại lý bán hàng của Novaland cũng đã sa thải 70-80% nhân sự và đóng cửa hàng loạt trụ sở giao dịch. Các công ty môi giới này buộc phải làm vậy để cắt giảm chi phí cố định (mặt bằng, nuôi hệ thống, lương nhân viên) khi thị trường bất động sản đóng băng, thanh khoản sụt giảm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Danh Khôi, Hưng Thịnh, An Gia, Thủ Đức House, Hoàng Quân, Phát Đạt, LDG cũng phải thanh lọc lại bộ máy. Nhân viên còn bám trụ lại phải kiêm nhiệm, thậm chí đa nhiệm, để đối phó với "mùa đông khắc nghiệt" của thị trường bất động sản.
Trưởng bộ phận marketing một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở trên đường Điện Biên Phủ tiết lộ, từ tháng 3 đến nay, ông phải đảm nhiệm nhiều vai trò: chăm sóc khách hàng, ban kiểm soát, thư ký, hỗ trợ phòng pháp lý, thanh lý công nợ, khi nhân viên đã giảm 80%. Công ty sau khi giảm lương cuối năm 2022 đã chuyển sang nợ lương từ đầu năm 2023 đến nay, càng khiến những người còn bám trụ phải tìm đường rút lui. Công ty cũng không thể trách người lao động.
"Hiện giờ khó khăn là thực trạng chung của toàn ngành bất động sản và cả nền kinh tế. Cuộc sàng lọc lần này diễn ra quá cam go, gần 18 năm làm bất động sản tôi mới thấm thía cảnh này", ông nói.
Dữ liệu của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng phản ảnh tình trạng sàng lọc khốc liệt của thị trường địa ốc trong những tháng đầu năm 2023. Theo VARS, nếu chỉ tính hệ thống sàn môi giới, trong quý I, có thêm khoảng 40-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Ước tính số môi giới đang hoạt động trong quý I chỉ còn khoảng trên dưới 30% so với giai đoạn đầu năm ngoái. Theo hội này, đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh.
Bản tin tuần thứ ba của tháng 5 của VARS cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay dòng tiền của doanh nghiệp đã suy giảm mạnh. Khả năng thanh toán lãi vay ở mức thấp, khả năng trả nợ suy giảm. Tình trạng thiếu hụt dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản lại bị đặt trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu ở mức cao, các kênh vốn chính của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Diễn biến này không chỉ ảnh hưởng nội bộ ngành địa ốc mà còn tác động lây lan trực tiếp đến nhiều ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, thiết kế, máy móc, thiết bị, nội - ngoại thất.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên đến 77.000 công ty, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng lĩnh vực bất động sản, trong quý I, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh 63,2% so với cùng kỳ 2022. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long nhìn nhận, năm 2023 là cột mốc cực kỳ khó khăn đối với thị trường bất động sản. Ông dự báo giai đoạn trì trệ này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024 và khó khăn hiện nay nặng nề hơn cuộc khủng hoảng năm 2013.
Theo ông Ngọc, thị trường địa ốc đang bị sàng lọc khốc liệt nhất trong vòng một thập kỷ qua. Có thể nhìn rõ cục diện qua các con số doanh nghiệp đóng cửa tăng mạnh, làn sóng sa thải nhân sự chưa từng có và giảm lương, nợ lương khắp các doanh nghiệp địa ốc, hiện tượng thu hẹp quy mô kinh doanh cũng diễn ra phổ biến.
"Đây là quá trình đào thải nghiêm trọng không thể tránh khỏi. Các doanh nghiệp đòi hỏi phải bắt tay vào việc cải tổ, tái cấu trúc toàn diện để tồn tại", ông Ngọc nhận xét.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát cũng cho rằng hiện tượng đổ vỡ cấu trúc doanh nghiệp và sa thải, nghỉ việc hàng loạt trong ngành địa ốc diễn ra căng thẳng hơn cuộc khủng hoảng gần nhất (giai đoạn 2011-2013) khi quy mô thị trường hiện nay phát triển vượt bậc so với 10 năm trước. Những đổ vỡ hiện nay cũng là cái giá phải trả cho giai đoạn tăng trưởng quá nóng và mất kiểm soát năm 2016-2020.
"Năm 2023 quá trình đào thải sẽ còn tiếp diễn và gần như buộc phải xảy ra nếu doanh nghiệp muốn vượt bão khủng hoảng", ông Nam dự báo.
Theo Vnexpress
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Comentarios