Công ty cho vay tiền mã hóa Voyager Digital đã nộp đơn phá sản vào cuối ngày 05/07/2022, trở thành công ty thứ hai sau 3AC tuyên bố phá sản trong thời gian gần đây.
Công ty môi giới tiền điện tử Voyager Digital có trụ sở tại Toronto (Canada) đã đệ đơn yêu cầu bảo vệ phá sản theo Chương 11, trở thành nạn nhân mới nhất của sự hỗn loạn trong thị trường tài sản kỹ thuật số.
Uớc tính Voyager có hơn 100.000 người dùng và quản lý số tài sản khoảng từ 1 đến 10 tỷ USD. Trong khi đó, số nợ công ty đang phải chịu cũng nằm trong khoảng dưới 10 tỷ USD. Lời tuyên bố của công ty cũng khẳng định điều này:
“Chúng tôi vẫn có đủ quỹ tiền để trả cho các chủ nợ không thế chấp.”
Công ty cho biết họ có khoảng 1,3 tỷ đô la tiền điện tử trên nền tảng của mình và giữ hơn 350 triệu đô la tiền mặt thay mặt cho khách hàng tại Ngân hàng Thương mại Metropolitan của New York.
Đến lượt Voyager, công ty đệ đơn theo Chương 11. Theo Investopedia, phá sản theo Chương 11:
– Là hình thức phá sản phức tạp nhất;
– Cho phép công ty vẫn duy trì hoạt động kinh doanh trong lúc tiến hành tái cấu trúc nợ;
– Ưu tiên lợi ích của chủ nợ trước tiên.
CEO Stephen Ehrlich của Voyager sau đó cũng xác nhận thông tin này, tuyên bố hành động tái cấu trúc nợ của công ty là “tự nguyện” nhằm “bảo vệ tài sản trên nền tảng, lợi ích của cổ đông và đặc biệt là người dùng”, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động.
Giữa cơn bão khủng hoảng thanh khoản đang càn quét thị trường tiền mã hóa, Voyager đã chịu tổn thất lớn do tiếp xúc với quỹ đầu cơ tiền điện tử Three Arrows Capital (3AC), quỹ này đã phá sản vào tuần trước sau khi vỡ nợ các khoản vay từ một số công ty trong ngành - bao gồm 650 triệu đô la từ Voyager. Cụ thể, 3AC đã bị một tòa án tại Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI) ra lệnh thanh lý tài sản theo khiếu nại từ Blockchain.com và sàn Deribit, hai trong số những chủ nợ của sàn.
Voyager cho biết họ vẫn đang theo đuổi việc thu hồi các khoản tiền từ Three Arrows Capital thông qua các thủ tục có sự giám sát của tòa án ở British Virgin Islands và New York.
Cổ phiếu của công ty niêm yết ở Toronto đã mất gần 98% giá trị kể từ đầu năm 2022.
Tuần trước, Voyager đã tạm dừng tất cả các hoạt động rút tiền, gửi tiền và giao dịch trên nền tảng của mình do “điều kiện thị trường hiện tại”.
Thị trường tiền điện tử đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng khi các nền tảng phải vật lộn để đáp ứng lượng tiền rút từ khách hàng trong bối cảnh giá tiền kỹ thuật số giảm mạnh.
Theo CNBC
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.mastertraders.vn
Comments