top of page

Có thể giai đoạn khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua

Ảnh của tác giả: Hiền TrầnHiền Trần
VN-Index nhích lên gần 1.155 điểm; Nhiều ngân hàng hụt chỉ tiêu lợi nhuận 2023; Năm mới, sôi động thương vụ mới; Giá đồng có thể tăng vọt hơn 75% lên mức cao kỷ lục vào năm 2025…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin


Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 5/1 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 72,00 – 75,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).


Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 2,2 USD lên 2.043,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm và về dưới 2.040 USD/ounce vào cuối ngày.


Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,73 điểm.


Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 5/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.932 đồng/USD, tăng 17 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.190 – 24.530 đồng/USD.


Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục mạnh lên gần 44.000 USD thì sang phiên hôm nay đã đảo chiều giảm khá nhanh về 43.400 USD, trước khi hồi phục mạnh lên trên 44.200 USD/BTC vào cuối ngày.


Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,80 USD (+1,11%), lên 72,99 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,71 USD (+0,92%), lên 78,30 USD/thùng.


VN-Index tiếp tục tăng điểm


Thị trường sau ít phút tăng nhẹ đã sớm quay về gần tham chiếu và rung lắc trong suốt phần còn lại của phiên, trước khi có nhịp nảy nhẹ ở những phút cuối khi nhóm cổ phiếu ngân hàng thêm một lần tiếp sức.


Đóng cửa tăng nhẹ nhưng vẫn ghi nhận là vùng giá cao nhất của phiên chiều, xác lập phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp. Đặc biệt là những tia sáng ở nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng vẫn là điểm tựa của thị trường, tiếp thêm hy vọng rằng “sóng tháng Giêng” đã tới!


Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,74 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 442,28 tỷ đồng.


Kết thúc phiên giao dịch 5/11: VN-Index tăng 3,96 điểm (+0,34%), lên 1.154,68 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,09%), lên 232,76 điểm; UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,23%), lên 87,93 điểm.


Chứng khoán Mỹ


Các chỉ số chính của Phố Wall trái chiều trong phiên thứ Năm (4/1), với Dow Jones được thúc đẩy bởi sự gia tăng của cổ phiếu tài chính, trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm nhẹ do dữ liệu việc làm mạnh mẽ khiến các nhà đầu tư điều chỉnh kỳ vọng về khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất.


Các nhà giao dịch nhận thấy 66,4% cơ hội Fed cắt giảm lãi suất 0,25% vào tháng 3 và xác suất gần 93% cho một đợt cắt giảm tiếp theo vào tháng 5, theo công cụ FedWatch của CME Group.


Phiên ngày thứ Sáu, tâm điểm chú ý sẽ là báo cáo việc làm chính thức tháng 12 do Bộ Lao động Mỹ cung cấp. Số liệu này được dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh đến kỳ vọng lãi suất, từ đó chi phối diễn biến của thị trường trong những phiên tới.


Kết thúc phiên 4/1: Chỉ số Dow Jones tăng 10,15 điểm (+0,02%), lên 37.744,34 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,13 điểm (-0,34%), xuống 4.688,68 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 81,91 điểm (-0,56%), xuống 14.510,30 điểm.


Chứng khoán châu Á


Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, khi đồng yên yếu đi đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu xuất khẩu, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,27% lên 33.377,42. Chỉ số Topix tăng 0,62% lên 2.393,54 và tăng 1,15% trong tuần.


"Thị trường được dẫn dắt bởi cổ phiếu các nhà xuất khẩu trong bối cảnh đồng yên. Trong khi Topix giữ đà tăng khi các nhà đầu tư tìm cách mua cổ phiếu với mức chi trả cổ tức cao hơn", Shuutarou Yasuda, một nhà phân tích thị trường tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết.


Đồng yên suy yếu so với đồng USD khi các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm từ Fed sau dữ liệu cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ.


Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi các nhà giao dịch đánh giá mối lo ngại về sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế.


Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,85% xuống 2.929,18 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,54% xuống 3.329,11 điểm.


Một báo cáo chính thức cho thấy ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đã thu hẹp tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 12 và doanh số bán nhà của các nhà phát triển lớn nhất nước này cũng đã giảm sâu hơn vào tháng 12.


Chứng khoán Hồng Kông giảm, do lo ngại trỗi dậy về tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại và việc thắt chặt chính sách kéo dài hơn dự kiến ở Mỹ.


Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,66% xuống 16.535,33 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,75% xuống 5.606,98 điểm.


Dữ liệu việc làm mới nhất của Mỹ đã dội gáo nước lạnh vào việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra, vì số đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp hơn dự kiến trong tháng 12. Trước đó, biên bản cuộc họp gần nhất của Fed cho thấy việc cắt giảm lãi suất sẽ không nhanh như dự kiến.


Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi hy vọng cắt giảm lãi suất sớm ở Mỹ mờ nhạt.


Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 8,94 điểm, tương đương 0,35% xuống 2.578,08 điểm và giảm 2,91% trong tuần.


Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics không thay đổi và SK Hynix tăng 0,81%, nhưng nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 0,72%.


Kết thúc phiên 5/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 8,13 điểm (+0,27%), lên 33.377,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 25,17 điểm (-0,85%), xuống 2.929,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 110,65 điểm (-0,66%), xuống 16.535,33 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 8,94 điểm (-0,35%), xuống 2.578,08 điểm.


Theo Tin nhanh chứng khoán


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn




Comments


bottom of page