top of page

Chứng khoán có lặp lại lịch sử giảm điểm, đua nhau bán vào tháng 5?

Ảnh của tác giả: Nam CaoNam Cao

'Sell in May and go away' (tức 'Bán vào tháng 5 và bỏ đi') là một thành ngữ nổi tiếng trong giới tài chính thế giới. Điều này có đúng với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là trong bối cảnh lình xình hiện nay?


Thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều kỳ vọng và dư địa tăng trưởng trong dài hạn - Ảnh: TƯỜNG VI


Tháng 5 giảm điểm

Ở Việt Nam, từ 2001 đến 2022 chỉ số VN-Index đại diện cho sàn HOSE có 13 năm tăng điểm và 9 năm giảm điểm tính riêng trong tháng 5, tuy nhiên mức giảm của chứng khoán không lớn bằng mức tăng.


Có thể điểm lại một số tháng 5 tiêu biểu như sau: Tháng 5-2008, VNIndex mất hơn 100 điểm, tương đương 20% do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.


Năm 2011 liên tiếp xảy ra bất ổn chính trị và khủng hoảng nợ công ở châu Âu rất trầm trọng, Việt Nam không nằm ngoài xu thế. Tháng 5-2011, chỉ số VNIndex mất hơn 12%...


Tháng 5-2022 cũng có sự giảm điểm tương tự do quan ngại từ thị trường trái phiếu và sai phạm của các công ty lớn. Có thời điểm VNIndex giảm hơn 16%, tuy nhiên nỗ lực hồi phục đã giúp VNIndex đóng cửa ở 1292.68, mất đi 5,42%.


"Sale in May" không đúng trong năm 2020 và 2021, những năm này thị trường tăng điểm rất mạnh, lần lượt 12,4% và 7,15%.


Biến động của VNIndex trong tháng 5 từ 2001 - 2022 - Biểu đồ: TƯỜNG VI


Còn nhiều kỳ vọng

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân giảm điểm hiện tại là tháng 5 thường trống thông tin. Mọi báo cáo tài chính, họp đại hội cổ đông, kế hoạch kinh doanh đều đã được công bố trước và trong tháng 4, trong khi số liệu kết quả kinh doanh quý 2 phải hết tháng 6, đầu tháng 7 mới được công bố.


Hơn nữa, đầu tháng 5 có kỳ nghỉ lễ, sau đó cũng là mùa cao điểm du lịch. Người dân có xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán để phục vụ cho nhu cầu cá nhân nên thị trường giảm điểm và thanh khoản cũng sụt giảm theo.


Năm nay, thị trường chứng khoán đang đi tới những phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4. Tính từ ngày 3-4 đến 21-4, chỉ số VNIndex đại diện cho sàn HOSE đã giảm 21,73 điểm tương ứng 2,04%, chỉ số HNXIndex của sàn Hà Nội giảm nhẹ 0,58 điểm (0,28%) và chỉ số UPCOM đại diện cho các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ biến động ngược chiều, tăng 1,23 điểm (1,6%).


Tuy nhiên, chỉ số UPCOM đã tăng liên tục 5 tháng với mức thanh khoản ổn định. Diễn biến chỉ số VNIndex và HNXIndex gần đây lại tăng giảm đan xen, điều này cho thấy hiện tại dòng tiền chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và xu hướng chưa thật sự rõ ràng.


Ông Nguyễn Anh Cường, trưởng phòng tư vấn đầu tư ở chứng khoán SSI, nêu quan điểm rằng mỗi thị trường có đặc tính khác nhau và ở Việt Nam những nhịp giảm mạnh nhất của thị trường thường rơi vào tháng 4, đỉnh điểm là tháng 4 năm 2018 và năm 2022.


Theo ông Cường, giai đoạn này các quỹ nạp ròng rất yếu, nhà đầu tư nước ngoài bán ra các cổ phiếu vốn hóa lớn như MWG, REE, còn các nhà đầu tư trong nước giải ngân rất thận trọng nên đã kéo giảm thị trường.


Tháng 4-2023 cũng có nhiều công ty công bố kết quả kinh doanh tiêu cực: nhóm thép có dự phóng lợi nhuận thấp; nhóm chứng khoán sụt giảm lợi nhuận rất mạnh, các công ty VND, VCI, HSC đều sụt giảm lợi nhuận từ 30 - 70% so với cùng kỳ; nhóm ngân hàng tăng trưởng chậm, nợ xấu gia tăng.


Ông Cường nhận định những trụ đỡ chính của thị trường gặp khó trong khi mức định giá của thị trường hiện tại đang khá cao, rất khó để thu hút dòng tiền thông minh tham gia vào.


Vì vậy, ông Nguyễn Anh Cường khuyến nghị nhà đầu tư nên cân đối tỉ trọng danh mục của mình, thay vì đầu tư 100% vào cổ phiếu trong ngắn hạn thì hiện nay chỉ nên giữ 50% cổ phiếu và dành 30 - 50% tiền mặt phòng ngừa rủi ro, chủ động trong mọi tình huống.


Cuối cùng, ông gợi ý nhà đầu tư nên lọc ra những cổ phiếu tốt bị thị trường đánh giá thấp để đầu tư trung hạn.


Tuy vậy, hiện đang có nhiều biện pháp được trông đợi lâu nay, đang được đẩy mạnh. Chính phủ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho thị trường bất động sản, thúc hạ lãi suất cho vay, giảm thuế VAT để kích cầu.


Đặc biệt Thủ tướng đã chỉ đạo sửa quy định để các ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp... Vì vậy, về dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều kỳ vọng và dư địa tăng trưởng.


Lịch sử "Sell in May" Thông tin từ IG - một trong những sàn giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới - cho biết câu thành ngữ "Sell in May and go away" xuất phát từ nước Anh hàng trăm năm trước khi các nhà quý tộc thường bán cổ phiếu của họ đi vào tháng 5, quay lại vào khoảng giữa tháng 9 trong ngày Thánh Leger. Họ chuyển từ London đến những miền quê để tránh nóng và tham dự giải đua ngựa St. Leger, vì không thể theo dõi cổ phiếu nên các nhà đầu tư thường đóng vị thế. Fidelity Investments - một tập đoàn dịch vụ tài chính quản lý 4,5 nghìn tỉ USD - cho biết chỉ số S&P 500 (Mỹ) kể từ năm 1990 - 2022 chỉ tăng trung bình khoảng 2% từ tháng 5 đến tháng 10, trong khi từ tháng 11 đến tháng 4 lại tăng khoảng 7%. Cuốn sách Stock Trader's Almanac - Niên giám nhà giao dịch chứng khoán chỉ ra rằng đầu tư vào cổ phiếu được đại diện bởi chỉ số Dow Jones của Mỹ từ tháng 11 đến tháng 4 và chuyển sang thu nhập cố định trong sáu tháng còn lại sẽ "tạo ra lợi nhuận đáng tin cậy với rủi ro giảm kể từ năm 1950".


Theo Tuoitre



Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn

Comments


bottom of page