top of page
Ảnh của tác giảHiền Trần

Chứng khoán đã trải qua nửa đầu năm 2023 tốt đẹp hơn kỳ vọng

(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023: “Bơi trong dòng xoáy"; Nhiều quỹ đầu tư “kín tiếng” săn hàng; Chứng khoán nửa cuối 2023: Lạc quan thận trọng; Chọn hàng trong bối cảnh mới; Các doanh nghiệp phương Tây làm ăn ở Nga thiệt hại hơn 100 tỷ euro…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Bảng điện tử thông báo chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bảng điện tử thông báo chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 8/8 giảm 50.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,70 – 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 6,2 USD lên 1.936,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về dưới 1.935 USD/ounce và giằng co nhẹ cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,50 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.802 đồng/USD, giảm 13 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.555 – 23.895 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 28.900 USD, thì sang phiên hôm nay đã bật lên và đạt gần 29.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,35 USD (-1,65%), xuống 80,59 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,55 USD (-1,82%), xuống 83,79 USD/thùng.

VN-Index nhích nhẹ Sau phiên sáng nhích nhẹ, áp lực bán đã dâng cao ngay khi giao dịch trở lại vào phiên chiều, khiến VN-Index về gần tham chiếu trước khi nảy trở lại. Dù vậy, VIC-VRE vẫn hoạt động tốt, đóng vai trò là trụ đỡ mạnh mẽ cho thị trường đã giúp VN-Index đóng cửa ở sắc xanh, trong bối cảnh áp lực bán gia tăng ở nhóm bất động sản, xây dựng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 33 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 584,66 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/8: VN-Index tăng nhẹ 0,81 điểm (+0,07%), lên 1.242,23 điểm; HNX-Index tăng 0,38 điểm (+0,16%), lên 246,07 điểm; UpCoM-Index tăng 1,07 điểm (+1,16%), lên 93,64 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng điểm khá tích cực trong phiên ngày thứ Hai (7/8), khi các nhà đầu tư tự tin bổ sung vị thế trước báo cáo lạm phát rất được chờ đợi của Mỹ vào thứ Năm.

Dữ liệu giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm có thể cung cấp tín hiệu cho con đường chính sách tiếp theo của Fed, sau khi một báo cáo việc làm vào thứ Sáu tuần trước làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Kết thúc phiên 7/8: Chỉ số Dow Jones tăng 407,51 điểm (+1,16%), lên 35.473,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 40,41 điểm (+0,90%), lên 4.518,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 85,16 điểm (+0,61%), lên 13.994,40 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, được thúc đẩy bởi đà tăng của chứng khoán Mỹ đêm qua, mặc dù sự thận trọng chiếm ưu thế khi đỉnh điểm của mùa thu nhập trong nước đang đến gần.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,38% lên 32.377,29 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,34% lên 2.291 điểm.

"Sẽ khá khó khăn ngay bây giờ để chủ động đẩy chứng khoán Nhật Bản lên cao hơn, với cao điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh vào thứ Năm và thị trường đóng cửa vào thứ Sáu để nghỉ lễ”, Maki Sawada, chiến lược gia tại Nomura Securities cho biết.

Hôm thứ Ba, nhà sản xuất thực phẩm và dược phẩm Meiji Holdings tăng 10,41% sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua trong phiên chiều và vượt qua công ty kỹ thuật Comsys, công ty đã dẫn đầu mức tăng ban đầu và kết thúc với mức tăng 9% sau kết quả tài chính.

Hơn 400 công ty báo cáo kết quả kinh doanh vào thứ Tư, với con số đó tăng hơn gấp đôi lên khoảng 850 công ty vào thứ Năm.

Chứng khoán Trung Quốc giảm sau khi đón nhận dữ liệu xuất nhập khẩu tiếp tục suy yếu.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,25% xuống 3.260,62 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,26% xuống 3.979,73 điểm.

Số liệu chính thức được công bố cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm 14,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.

Mức giảm nói trên cũng lớn hơn dự đoán và là mức giảm mạnh nhất kể từ khi xuất khẩu của nước này giảm 17,2% vào đầu năm 2020, khi nền kinh tế bị chững lại trong những tuần đầu bùng phát dịch Covid-19.

Ngoại trừ sự phục hồi ngắn ngủi trong tháng Ba và tháng Tư, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm gần như liên tục kể từ tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh hơn dự đoán, ở mức 12,4%, đánh dấu tháng giảm thứ chín liên tiếp. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước đang sụt giảm.

Các nhà phân tích của UBS cho biết triển vọng cổ phiếu nửa cuối năm của Trung Quốc với tâm lý thị trường trong nước hiện tại là "quá bi quan", mặc dù họ không mong đợi dòng vốn tăng mạnh trong ngắn hạn, mà là sự phục hồi kinh tế dần dần được hỗ trợ bởi các chính sách sẽ dẫn dắt cổ phiếu tăng cao hơn.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong ba năm, thêm bằng chứng về sự suy giảm sâu sắc trong tăng trưởng kinh tế.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,81% xuống 19.184,17 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,18% xuống 6.587,75 điểm.

Cổ phiếu đáng chú ý là Country Garden Holdings, khi giảm hơn 14% và dẫn đầu sự sụt giảm trong số các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc, sau khi Reuters đưa tin rằng nhà phát triển bất động sản này đã không thể trả được các khoản thanh toán lãi suất đến hạn cho hai trái phiếu Mỹ với tổng trị giá 22,5 triệu USD. Các trái phiếu được đề cập là trái phiếu đáo hạn vào tháng 2/2026 và tháng 8/2030.

Country Garden cho biết lượng tiền mặt khả dụng của họ liên tục giảm, cho thấy “căng thẳng thanh khoản định kỳ” do lượng bán hàng suy giảm và tái cấp vốn xấu đi, cũng như tác động từ các quy định ký quỹ khác nhau.

Country Garden đã cảnh báo vào tuần trước rằng họ sẽ lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm, so với mức lãi ròng 1,91 tỷ nhân dân tệ một năm trước đó.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ năm liên tiếp, do khẩu vị rủi ro suy yếu bởi số liệu thương mại yếu kém từ Trung Quốc và sự thận trọng về dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 6,73 điểm, tương đương 0,26% xuống 2.573,98 điểm. Phiên này, các cổ phiếu lớn như nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 1,31% và SK Hynix mất 2,71%, nhưng nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 2,14%.

Kết thúc phiên 8/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 122,73 điểm (+0,38%), lên 32.377,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 8,21 điểm (-0,25%), xuống 3.260,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 353,75 điểm (-1,81%), xuống 19.184,17 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 6,73 điểm (-0,26%), xuống 2.573,98 điểm.


Theo Báo Đầu tư


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn

コメント


bottom of page