top of page
Ảnh của tác giảHiền Trần

Cấm để xe ở hầm chung cư là vô trách nhiệm với cuộc sống của cư dân

Gần 2 tuần nay, từ khi vụ cháy tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ xảy ra, nhiều chủ chung cư mini tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã yêu cầu người dân di dời toàn bộ xe máy, xe đạp điện ra khỏi tầng 1 khiến người dân vô cùng bức xúc. Đáng chú ý, việc thiếu tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với loại hình chung cư mini cũng đang khiến các cấp quản lý lúng túng khi triển khai.

Một chung cư mini trong ngõ 29/42, phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội).Ảnh: Vĩnh Hoàng
Một chung cư mini trong ngõ 29/42, phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội).Ảnh: Vĩnh Hoàng

Bỏ tiền triệu gửi xe bên ngoài

Ghi nhận của PV Lao Động, những ngày vừa qua, nhiều chủ tòa nhà chung cư mini tại quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) liên tục thông báo trong các hội nhóm, yêu cầu người dân phải di chuyển toàn bộ xe máy, xe đạp điện ra khỏi tầng 1. Điều này đã khiến cuộc sống của các hộ gia đình, người thuê trọ tại đây gặp khó khăn, thậm chí họ phải bỏ ra hàng triệu đồng/tháng tìm nơi gửi xe bên ngoài. Anh Lê Văn Thương (thuê trọ ở tòa chung cư mini trên phố Vũ Tông Phan, Hà Nội) chia sẻ, từ khi chủ nhà thông báo không nhận trông giữ xe máy, xe đạp điện ở tầng 1, gia đình anh đã phải chạy vạy khắp nơi tìm chỗ gửi xe tạm thời. "Vợ chồng tôi đang thuê trọ ở đây với mức giá 5 triệu đồng/tháng, chưa tính chi phí điện nước, dịch vụ kèm theo. Nếu trong tháng tới chủ nhà vẫn không cho người thuê trọ để xe dưới tầng 1 thì gia đình tôi chắc chắn sẽ phải chuyển trọ đi nơi khác vì quá bất tiện.

Hơn 1 tuần nay, vợ chồng tôi đã phải gửi tạm xe máy theo vé ngày ở tòa chung cư cách nơi ở 2km với mức phí 5.000 đồng/lượt ra vào, 12.000 đồng/ngày. Mỗi khi đi đón con, đi làm, đi chợ hay cần việc gì gấp thì cả hai vợ chồng, con cái đều phải đi bộ hàng cây số đến nơi gửi xe" - anh Thương bức xúc.

Trao đổi với Lao Động, cư dân tại một số chung cư cũng cho rằng, cần xem lại việc yêu cầu người dân phải đưa xe ra khỏi khu vực tầng 1 bởi đây là yêu cầu vô lý, làm đảo lộn cuộc sống và thể hiện sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên quan với người mua nhà. Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Cường (sinh sống tại tòa chung cư mini trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân) cho biết, việc chủ đầu tư yêu cầu người dân di dời xe máy, xe đạp điện ở tầng 1, tự tìm nơi gửi xe bên ngoài khiến nhiều cư dân ở đây rất bất bình. Anh Cường cho rằng, phương án này không hợp lý, gây bất tiện cho các hộ dân cả về di chuyển lẫn đời sống sinh hoạt. Thay vì yêu cầu di dời xe máy, xe đạp điện, theo anh Cường, các cấp chính quyền nên phối hợp với chủ đầu tư chung cư mini để lắp đặt hệ thống cảnh báo, PCCC nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Khu vực để xe và sạc xe điện riêng trong hầm của một chung cư trên địa bàn phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: QUẾ CHI
Khu vực để xe và sạc xe điện riêng trong hầm của một chung cư trên địa bàn phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: QUẾ CHI

Cần khái niệm chuẩn xác về loại hình chung cư mini

Bỏ ra gần 60 triệu đồng để thuê thợ đến tận nhà lắp đặt thang thoát hiểm cố định, ông Duy (chủ tòa chung cư mini trong ngõ 1150 đường Láng, quận Đống Đa) chia sẻ, nhiều chủ tòa nhà chung cư mini như ông hiện đang không biết lắp đặt hệ thống thang thoát hiểm, hệ thống PCCC thế nào cho phù hợp với địa hình, địa thế trong ngõ hẹp. Cũng theo ông Duy, những người thuê trọ ở đây chủ yếu là học sinh, sinh viên, những người đã đi làm, nếu không cho để xe ở tầng 1 thì họ cũng không biết gửi xe ở đâu. Thống kê của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho thấy, toàn TP Hà Nội có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung chủ yếu ở các quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ... Về thông tin quận Thanh Xuân yêu cầu di dời xe máy, xe đạp điện tại tầng 1 để phòng ngừa cháy nổ đang gây xôn xao dư luận, bà Bùi Huyền Mai - Bí thư Quận ủy Thanh Xuân - nhấn mạnh, quận không có chủ trương di dời xe máy, xe đạp điện ra khỏi tầng hầm chung cư mini. Sau khi tiến hành rà soát các chung cư mini trên địa bàn, quận Thanh Xuân có vận động người dân di dời xe máy, xe điện và những vật dụng dễ cháy ra khỏi khu vực tầng hầm của các tòa nhà, việc này chỉ áp dụng với các tòa nhà có bãi gửi xe ngay gần đó, nhằm đảm bảo yêu cầu cao hơn về PCCC. Quận Thanh Xuân sẽ có báo cáo đề xuất, kiến nghị TP Hà Nội điều chỉnh, bổ sung theo hướng phù hợp với thực tiễn, nhưng tránh gây xáo trộn lớn tới đời sống nhân dân. Đề cập đến nội dung này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - phân tích, khi đầu tư xây dựng, dự án chung cư mini cần phải đảm bảo các yêu cầu về quy trình đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng, thẩm định dự án. Đặc biệt, khâu thiết kế công trình cần phải đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về PCCC như đối với nhà chung cư thông thường. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để khắc phục tình trạng này, các nhà quản lý cần đưa ra quy định rõ ràng, khái niệm chuẩn xác về loại hình chung cư mini trong những văn bản quy phạm pháp luật, xác định rõ khu vực nào được xây dựng, khu vực nào không được xây dựng, nếu vi phạm và thiếu các quy chuẩn PCCC thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm bố trí chỗ để xe cho người dân Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đưa ra một số giải pháp tạm thời giảm thiểu nguy cơ mất an toàn đối với loại hình nhà chung cư mini. Trong đó đề nghị thành phố giao quận, huyện yêu cầu chủ đầu tư phải bố trí đủ diện tích đỗ xe hai bánh. Chủ đầu tư rà soát diện tích đỗ xe của công trình, áp dụng thiết kế khu vực đỗ xe của loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ như đối với nhà chung cư. Theo ông Phong, các công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ phải rà soát và bố cục lại toàn bộ khu vực để xe, đảm bảo diện tích chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ. Trường hợp không đủ diện tích để xe theo số căn hộ/cư dân tại tòa nhà thì phải có phương án gửi xe bên ngoài. Ngoài ra, chủ đầu tư chung cư mini, nhà trọ nhiều tầng cần ngăn cách khu vực để xe với sảnh căn hộ, cầu thang bộ... Trao đổi với PV Lao Động về việc quản lý vận hành chung cư mini, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết: "Nghị định 71 quy định việc quản lý, vận hành theo nhà chung cư. Tuy nhiên việc quản lý, vận hành hiện đang thực hiện theo một vế của chủ sở hữu, chủ nhà mà quên công tác quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước. Tức là việc cấp giấy phép xây dựng, sắp xếp các tiêu chí về nhà chung cư áp dụng phải như nhà chung cư. Nếu hiểu như thế sẽ không gây ra hậu quả lớn như bây giờ".
TUẤN ANH
Trang bị họng cứu hỏa khô trong ngõ ngách để chữa cháy Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho hay, dù là thiết kế nhà ở riêng lẻ hay chung cư thì vấn đề đầu tiên vẫn là an toàn chịu lực và an toàn PCCC. Vị này nói thêm, đã là an toàn PCCC thì chủ đầu tư phải tuân thủ ngay từ ban đầu. Có những ngõ ngách hiện nay rất nhỏ, xe chữa cháy không vào được mà vẫn xây dựng chung cư mini. Trong khi đó, lăng vòi cứu hỏa chỉ vào tới khoảng 300 - 400m nhưng lại có những ngõ ngoằn ngoèo đến cả kilômét nên phải tăng cường PCCC bằng họng cứu hỏa khô chờ sẵn. Ông Vũ Ngọc Anh cho rằng, nếu có họng cứu hỏa khô chờ sẵn, trường hợp lăng vòi không kéo tới vẫn có thể truyền được nước phục vụ công tác chữa cháy.

Cao Nguyên ghi

Theo Lao động


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn


Comentarios


bottom of page