Đường ống duy nhất lớn nhất chở khí đốt của Nga đến Đức đã bắt đầu được bảo trì hàng năm vào thứ Hai 11/7, với dự kiến dòng chảy sẽ ngừng trong 10 ngày. Tuy nhiên các chính phủ, thị trường và các công ty đang lo lắng việc đóng cửa có thể bị kéo dài do chiến tranh ở Ukraine.
Đường ống Nord Stream 1 vận chuyển 55 tỷ mét khối (bcm) khí đốt mỗi năm từ Nga đến Đức dưới Biển Baltic. Sẽ tạm ngưng do việc bảo trì kéo dài từ ngày 11 đến 21/7.
Tháng trước, Nga đã cắt giảm dòng chảy xuống 40% tổng công suất của đường ống, với lý do việc trả lại thiết bị bị trì hoãn bởi Siemens Energy (ENR1n.DE) của Đức.
Châu Âu lo ngại Nga có thể kéo dài thời gian bảo trì theo lịch trình để hạn chế nguồn cung cấp khí đốt của Châu Âu hơn nữa, khiến kế hoạch lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông trở nên xáo trộn và làm gia tăng cuộc khủng hoảng khí đốt khiến các chính phủ phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp như tăng chi phí, hạn chế tiêu thụ năng lượng.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này đã sẵn sàng đối mặt với khả năng Nga ngừng các dòng khí đốt qua Nord Stream 1 ngoài thời gian bảo trì theo lịch trình.
Ngoài Nord Stream 1, Đức còn nhận khí đốt từ Nga qua một số đường ống khác, song lưu lượng qua các đường ống này cũng giảm, đặc biệt là từ thời điểm Ukraine dừng một tuyến vận chuyển qua lãnh thổ nước này hồi tháng 5/2022.
Moscow và Berlin cũng đã hoàn thành dự án Nord Stream 2 với khả năng vận chuyển khí đốt tốt hơn nhiều so với Nord Stream 1, nhưng Berlin đình chỉ dự án này liên quan đến tình hình Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc rằng Nga đang sử dụng dầu khí để gây áp lực chính trị, đồng thời nói rằng việc ngừng hoạt động bảo trì là một sự kiện thường xuyên, theo lịch trình và không ai "phát minh" ra bất kỳ hoạt động sửa chữa nào.
Nga đã cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho một số quốc gia châu Âu không tuân thủ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp.
Trước tình hình đó các nước khối EU đã có những biện pháp để sẵn sàng ứng phó trước cuộc khủng hoảng khí đốt đặc biệt cho mùa đông tới. Cụ thể:
Tây Ban Nha:
Tại Tây Ban Nha, đầu tháng Sáu vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã cho phép Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha áp trần giá khí đốt để sản xuất điện trong một năm. Trần giá sẽ ở mức trung bình hằng năm là 48,80 euro/MWh, nhưng sẽ được điều chỉnh theo thời gian. Cụ thể, trong sáu tháng đầu tiên, mức giá là 40 euro/MWh và sau đó tăng thêm 5 euro/tháng cho đến khi đạt 70 euro/MWh.
Để các nhà cung cấp năng lượng không bị thua lỗ, nhà nước sẽ hoàn trả cho họ phần chênh lệch giữa giá trần và giá khí đốt thực. Khoảng 20% sản lượng điện của Tây Ban Nha dựa vào khí đốt tự nhiên.
Tây Ban Nha cũng đã giảm thuế, phí và lệ phí đối với điện, cho phép các hộ gia đình có thu nhập thấp được giảm giá điện. Tất cả các biện pháp kết hợp với nhau sẽ giúp người dân tiết kiệm gần 30% so với mức giá không được hỗ trợ. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng khai thác một phần siêu lợi nhuận mà các công ty năng lượng kiếm được từ giá khí đốt cao.
Pháp
Trong vài tuần qua, các đường ống dẫn khí từ Nga tới Pháp đã “khô cạn”. Hồi giữa tháng 6/2022, nhà khai thác GRTGaz của Pháp đã nhận thấy "sự gián đoạn dòng khí đốt giữa Pháp và Đức" sau khi nguồn cung từ Nga tới Tây Âu bị cắt giảm.
Tuy nhiên, so với Đức, Pháp ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung từ Nga (chỉ chiếm 17% lượng khí đốt nhập khẩu). Nhà cung cấp lớn nhất của Pháp là Na Uy với khí đốt chạy đến thẳng Dunkirk ở miền Bắc nước Pháp thông qua một đường ống ở đáy Biển Bắc. Ngoài ra, Pháp có ba trạm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng tàu, có thể được kết nối vào mạng lưới đường ống quốc gia.
Với Ý
Tại Italy, chủ trương của chính phủ nước này là nhanh chóng giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Do vậy, Italy đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với một loạt nước như Algeria, Qatar, Israel, Azerbaijan, Angola và Cộng hòa Congo.
Một năm trước, nhập khẩu từ Nga còn chiếm 35% nhu cầu khí đốt của Italy, song trong quý đầu tiên của năm nay, con số này đã giảm xuống còn 21%, chủ yếu do nhập khẩu từ Algeria tăng mạnh ngay cả trước khi xung đột Ukraine bùng nổ. Dự kiến, trong năm nay và năm tới sẽ có thêm 9 tỷ m3 khí được chuyển từ Algeria tới Italy qua đường ống chạy qua Tunisia đến đảo Sicily, vốn cho tới nay mới chỉ vận hành một nửa công suất.
Để vượt qua mùa Đông tới, Italy đang tích cực lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, hiện ở mức trung bình là 55%, với mục tiêu lấp đầy ít nhất 90% vào tháng 11 tới. Chính phủ sẽ đảm bảo để các công ty năng lượng không gặp khó khăn trong việc mua khí đốt do chi phí tăng mạnh.
Để giảm sử dụng khí đốt sản xuất điện, 6 nhà máy điện than theo kế hoạch ngừng hoạt động vào năm 2025, đã phải vận hành với công suất lớn hơn kể từ đầu năm nay. Italy từ bỏ điện hạt nhân từ cuối những năm 1980.
Nhằm tiết kiệm năng lượng, Rome đã có quy định bắt buộc tất cả các tòa nhà công chỉ để nhiệt độ máy điều hòa không khí ở mức tối đa 25 độ C vào mùa Hè này, cao hơn 1 độ C so với bình thường. Vào mùa Đông, máy sưởi chỉ được phép để từ 19-21 độ C thay vì từ 20-22 độ C trước đây. Quy định bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5/2022 và trước mắt kéo dài cho đến cuối tháng 3/2023.
Đức
Hiện Đức đang nỗ lực chuẩn bị cho kịch bản nguồn cung từ NS1 bị cắt hoàn toàn hoặc gián đoạn do xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt. Trước tình hình này, Bộ Kinh tế Đức đã đưa ra kế hoạch ba giai đoạn và nền kinh tế hàng đầu châu Âu có thể chuyển sang giai đoạn ba bất kỳ lúc nào trong tương lai.
Giai đoạn cảnh báo sớm
Giai đoạn này được kích hoạt vào ngày 30/3. Điều kiện kích hoạt là có dấu hiệu cụ thể, nghiêm trọng và đáng tin cậy rằng một sự kiện có thể xảy ra và dẫn tới tình trạng nguồn cung khí đốt xấu đi đáng kể và có thể đến mức báo động hoặc khẩn cấp.
Giai đoạn báo động
Giai đoạn này được khởi động vào ngày 23/6 sau khi nguồn cung từ NS 1 giảm 60% sau sự cố sửa chữa tuabin.
Bộ Kinh tế Đức đã ngừng kích hoạt một điều khoản có thể cho phép các công ty điện nước chuyển gánh nặng chi phí tăng cao từ việc mua khí đốt trên thị trường giao ngay để đáp ứng các nghĩa vụ cung cấp cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp.
Một dự luật được Hạ viện thông qua vào ngày 7/7 và được Thượng viện thông qua vào ngày 8/7 bao gồm các phương án khởi động cơ chế chia sẻ giá để mang lại lợi ích cho tất cả người tiêu dùng thay vì để giá cao hơn ảnh hưởng đến các lĩnh vực riêng lẻ trong chuỗi giá trị.
*Giai đoạn khẩn cấp
Sự can thiệp của nhà nước sẽ bắt đầu khi các nguyên tắc cơ bản của thị trường không còn phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý mạng lưới của Đức, Bundesnetzagentur sẽ phân bổ lại nguồn cung khí đốt, nhằm bảo vệ khách hàng và giảm thiểu thiệt hại.
Nước này cũng sẽ sử dụng ít khí đốt hơn để sản xuất điện, thay vào đó, các nhà máy điện than sẽ được sử dụng cho một giai đoạn chuyển tiếp. Quốc hội Đức cuối tuần qua cũng đã dọn đường cho việc tạm thời sử dụng thêm các nhà máy điện than để sản xuất điện
Nói chung, trước hết, nguồn cung cho ngành công nghiệp sẽ bị cắt giảm, trong khi các hộ gia đình và các cơ sở quan trọng như bệnh viện tiếp tục nhận được nguồn cung khí đốt.
Theo Reuters
Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.mastertraders.vn
Comments