top of page

Các phiên giao dịch “đánh võng” khiến nhà đầu tư bất an

Ảnh của tác giả: Hiền TrầnHiền Trần

Đã cập nhật: 19 thg 12, 2023

VN-Index giảm về gần 1.100 điểm; Nghĩ ngược thị trường; Cần gia tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán; Các yếu tố nào chi phối giá dầu thế giới năm 2024?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin


Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 15/12 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 72,50 – 74,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).


Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 9 USD lên 2.036,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên trên 2.040 USD/ounce vào cuối ngày.


Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,11 điểm.


Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.882 đồng/USD, giảm mạnh 63 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.070 – 24.410 đồng/USD.


Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 42.600 USD thì sang phiên hôm nay đã giằng co nhẹ và dần tăng lên trên 42.800 USD/BTC vào cuối ngày.


Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,23 USD (+0,32%), lên 71,81 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,23 USD (+0,29%), lên 76,83 USD/thùng.


VN-Index giảm về gần 1.100 điểm


'Những tưởng thị trường sẽ có màn quay xe ấn tượng vào thời điểm sau 14h khi VN-Index bắt đầu hồi phục nhẹ nhờ, nhưng chỉ số không đi quá xa rồi nhanh chóng thoái lui, trở lại trạng thái rung lắc và điều chỉnh.


Sự kỳ vọng hoàn toàn sụp đổ trong đợt khớp lệnh ATC khi áp lực bán tiếp tục dâng cao hơn đã khiến thị trường nới rộng đà giảm, về vùng giá thấp nhất trong ngày và may mắn vẫn giữ được mốc 1.100 điểm.


Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 39,88 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 1.381,31 tỷ đồng.


Kết thúc phiên giao dịch 15/12: VN-Index giảm 7,83 điểm (-0,71%), xuống 1.102,3 điểm; HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%), xuống 227,02 điểm; UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,2%), xuống 85,05 điểm.


Chứng khoán Mỹ


Chứng khoán Mỹ tiếp tục nới đà tăng vào thứ Năm (14/12), một ngày sau khi Fed ám chỉ đã kết thúc chiến dịch tăng lãi suất và báo hiệu rằng chi phí đi vay sẽ giảm vào năm tới.


Sự xoay trục sang thiên hướng ôn hòa trong tuyên bố của Fed đã kích hoạt đợt tăng mạnh thị trường chứng khoán, với chỉ số Dow Jones đã thiết lập mức cao kỷ lục mới trong phiên.


Mặt khác, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên đã giảm xuống dưới mốc 4% kể từ tháng 8, trong khi đồng USD cũng về đáy trong 4 tháng đã góp phần tích cực giúp thị trường nới đà tăng trong phiên này.


Kết thúc phiên 14/12: Chỉ số Dow Jones tăng 158,11 điểm (+0,43%), lên 37.248,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,46 điểm (+0,26%), lên 4.719,55 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 27,59 điểm (+0,19%), lên 14.761,56 điểm.


Chứng khoán châu Á


Chứng khoán Nhật Bản tăng, được hỗ trợ bởi đà tăng giá của đồng yên được chặn lại.


Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,87% lên 32.970,55 điểm và tăng 2,05% trong tuần. Chỉ số Topix tăng 0,47% lên 2.332,28 điểm và ghi nhận tăng 0,34% trong tuần.


Đồng yên được giao dịch ổn định ở mức khoảng 142 yên/USD, hạ nhiệt từ mức đỉnh bốn tháng rưỡi tại 140,95 yên/USD trong ngày trước đó. Cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô theo đó được hưởng lợi, với Toyota tăng 1,13%, Nissan tăng 2,94% và Subaru tăng 4,51%.


Đồng yên đã tăng khoảng 5% trong ba tuần qua, được thúc đẩy bởi dự báo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang muốn chấm dứt chính sách lãi suất âm.

Cổ phiếu liên quan đến chip cũng là một động lực trong phiên này, với Advantest tăng 3,86% và Shin-Etsu Chemical - công ty cung cấp tấm silicon wafer đã tăng 5,51%.


Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi các nguồn tin cho biết Bắc Kinh sẽ giữ thâm hụt ngân sách vào năm 2024 thấp hơn kỳ vọng.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,56% xuống 2.942,56 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,31% xuống 3.341,55 điểm.


Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại cuộc họp thường niên về nền kinh tế trong tuần này đã đồng thuận duy trì mức thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP vào năm 2024, con số này thấp hơn mục tiêu 3,8% của năm 2023, cho thấy Bắc Kinh muốn duy trì kỷ luật cao với chính sách tài khóa và không xem xét một kế hoạch chi tiêu tài chính lớn vào năm tới.


Dữ liệu khác hôm nay cho thấy, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,6% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn mức tăng 4,6% trong tháng 10.


Trong khi đó, doanh số bán lẻ tăng 10,1%, nhưng không đạt kỳ vọng tăng 12,5%, thêm vào những dấu hiệu cho thấy đợt kích thích gần đây của Bắc Kinh đang giúp ổn định nền kinh tế.


Cùng ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (112 tỷ USD) vào hệ thống tài chính dưới dạng các khoản vay kỳ hạn một năm.


Chứng khoán Hồng Kông đã tăng mạnh để ghi nhận tuần tốt nhất trong hơn bốn tháng, sau khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp để thúc đẩy doanh số bán nhà ở các thành phố lớn.


Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,38% lên 16.792,19 điểm và tăng 2,8% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,28% lên 5.700,39 điểm.


Dẫn đầu là chỉ số phụ các nhà phát triển Trung Quốc Đại lục, với mức tăng 3,8%, trong đó, Longfor Group tăng 6,3%, China Resources Land tiến 5,8%.


Các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đã đưa ra các biện pháp nới lỏng mới, bao gồm giảm tỷ lệ thanh toán lần đầu khi mua nhà và kéo dài thời hạn trả nợ cho các khoản thế chấp.


Các biện pháp này báo hiệu các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực khắc phục tình trạng ốm yếu của thị trường nhà ở, khi doanh số bán hàng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm.


"Chúng tôi đang bắt đầu nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm" với lãi suất của Fed đạt đỉnh và Trung Quốc tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế. Hầu như tất cả các tin xấu đã được định giá và chứng khoán Hồng Kông đã chín muồi để phục hồi. Dickie Wong, Giám đốc điều hành tại Kingston Securities cho biết.


Chứng khoán Hàn Quốc tăng khi tiếp tục nhận ảnh hưởng tích cực từ sự ôn hòa của Fed.


Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 19,38 điểm, tương đương 0,76% lên 2.563,56 điểm và tăng 1,82% trong tuần, đồng thời, ghi nhận chuỗi 7 tuần tăng liên tiếp.


Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 0,27% và SK Hynix tăng 2,41%, nhưng nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 0,12%.

Nhà sản xuất vật liệu pin LG Chem tăng 6,25%, sau khi có kế hoạch đầu tư 820 triệu USD để xây dựng nhà máy vật liệu cực âm pin ở bang Tennessee tại Mỹ.


Kết thúc phiên 15/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 248,30 điểm (+0,87%), lên 32.970,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,43 điểm (-0,56%), xuống 2.942,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 390,00 điểm (+2,38%), lên 16.792,19 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 19,38 điểm (+0,76%), lên 2.563,56 điểm.


Theo Tin nhanh chứng khoán


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn


Comments


bottom of page