Mở rộng quá nhanh và buộc phải cắt giảm nhân sự trong thời buổi khó khăn, các hãng công nghệ lớn đang tạo ra cơ hội cho các công ty khởi nghiệp nở rộ, đem lại hy vọng tạo ra những tên tuổi mới cho ngành công nghệ toàn cầu.
Theo trang Layoffs chuyên theo dõi dữ liệu các đợt sa thải trong ngành công nghệ, tổng cộng 118.000 nhân sự đã mất việc trong năm 2022. Với 24.355 người, số lượng nhân viên mảng công nghệ bị sa thải chỉ trong vài ngày đầu tháng 11-2022 đã vượt các tháng trước đó trong cùng năm.
Thu nhỏ quy mô
"Tôi đã tính toán sai, và tôi nhận trách nhiệm cho điều này", tỉ phú Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Meta - công ty mẹ của Facebook, thừa nhận khi công bố quyết định cắt giảm 11.000 nhân viên tuần trước.
Trước Meta, quyết định sa thải một nửa trong tổng số 7.500 nhân sự Twitter của tỉ phú Elon Musk đã gây chấn động trong ngành công nghệ vào tuần trước.
Song không chỉ riêng hai cái tên lớn này, hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành công nghệ thế giới đã và đang sa thải bớt nhân viên của mình.
Trang Wired cũng nhận định đây là tháng các hãng công nghệ lớn (big tech) thực hiện kế hoạch thu nhỏ quy mô. Ngoài Twitter, Intel đã giảm 20% số nhân sự. Hãng tài chính công nghệ Robinhood sa thải gần 1/4 số nhân viên. Hãng xe công nghệ Lyft cắt giảm 13% nhân lực. Công ty mạng xã hội Snap cho 1/5 số nhân viên nghỉ việc.
Trong khi đó, các công ty như Amazon và Apple đã trì hoãn hoặc ngừng việc tuyển dụng, khiến những người mới mất việc khó tìm được chỗ làm mới tại các hãng công nghệ lớn.
Trong khi dư luận còn đang băn khoăn, nhiều chuyên gia cảnh báo xu hướng "đào thải" này sẽ chưa thể sớm chấm dứt. Ông J. P. Gownder, nhà phân tích chính của Công ty phân tích thị trường Forrester, nhận định khả năng cao là các doanh nghiệp chưa sa thải nhân viên cũng đang cân nhắc về việc này.
"Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu nhiều đợt sa thải hơn diễn ra trong vài tháng tới, đặc biệt là ở các công ty có năm tài chính kết thúc vào ngày 31-12", ông Gownder nói.
Theo chuyên gia này, các hãng công nghệ đang thiết lập lại kế hoạch tài chính để có một năm 2023 thành công hơn.
Doanh nghiệp đang thực hiện kế hoạch sa thải vì dự đoán nhu cầu sẽ giảm xuống trong thời gian tới, giữa bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn như lạm phát, lãi suất tăng cao, xung đột ở Ukraine, cùng các vấn đề về chuỗi cung ứng đứt gãy.
Dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng tình hình khó khăn ở big tech hiện nay vẫn chưa phản ánh tình hình chung của toàn ngành công nghệ.
Công nghệ vẫn là ngành "hot"
Khi chu kỳ đào thải hiện nay chấm dứt, các chuyên gia nhận định những công ty để mất nhân sự sẽ lại chi hàng triệu USD để củng cố đội ngũ. Song những công ty này sẽ đối mặt với một cuộc cạnh tranh gay gắt.
Lúc các hãng công nghệ lớn cắt giảm nhân lực cũng là thời cơ cho các công ty khởi nghiệp (start-up). Theo báo New York Times, giới đầu tư biết rằng những cái tên thành công nhất trong thập niên vừa qua như Airbnb, Uber hay Dropbox đều ra đời sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Lịch sử của Thung lũng Silicon cũng cho thấy nhiều công ty công nghệ biểu tượng đã khởi nghiệp trong thời kỳ thị trường đi xuống. Điển hình là Google ra mắt vào năm 1998, ngay trước khi bong bóng dot-com nổ tung. Vì thế, không ít người mong đợi làn sóng sa thải hiện tại sẽ tạo tiền đề cho những thành công mới.
"Gửi đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi việc sa thải Meta: Monomi Park đang tuyển dụng", ông Nick Popovich, giám đốc điều hành của một công ty sản xuất game độc lập, đã đăng tải lên Twitter vào tuần này.
Trong khi đó, quỹ đầu tư mạo hiểm Day One Ventures đã nhanh chóng phản ứng với làn sóng cắt giảm nhân sự của big tech bằng cách đưa ra sáng kiến nhằm vào những nhân viên bị sa thải. Day One Ventures tuyên bố sẽ đầu tư 100.000 USD vào 20 ý tưởng khác nhau cho các công ty mới.
Trang PitchBook, chuyên theo dõi dữ liệu các start-up, ước tính các quỹ đầu tư mạo hiểm như Day One Ventures đang có khoảng 290 tỉ USD để đầu tư. Đây chính là nguồn vốn dồi dào dành cho các doanh nhân mới.
Bên cạnh đó, trưởng kinh tế gia Julia Pollak của Công ty dịch vụ tuyển dụng ZipRecruiter cho biết nhân sự trong ngành công nghệ hiện có hai con đường: một là hướng đi an toàn tới các doanh nghiệp và lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái; hai là thành lập công ty riêng của mình.
"Nhân lực trong mảng này có lợi thế lớn. Nhu cầu đối với các nhân viên công nghệ vẫn mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khối chính phủ cho đến bán lẻ hay nông nghiệp. Các ngành này vẫn luôn bị bỏ qua trong những năm trước", bà Pollak nói.
Theo Hiệp hội ngành công nghiệp máy tính (CompTIA), tỉ lệ thất nghiệp trong mảng công nghệ của Mỹ vào tháng 8-2022 là 2,3%, thấp hơn đáng kể so với tỉ lệ thất nghiệp 3,7% của toàn nước Mỹ trong cùng tháng.
Theo Cafef
Theo dõi tếp các bài viết của chúng tôi tại www.finverse.vn
Komentarze