top of page
Ảnh của tác giảTrang Đặng

Biên lợi nhuận mảng môi giới dần thu hẹp, Công ty chứng khoán chạy đua thị phần để làm gì?

Trong quý 3, lợi nhuận gộp từ hoạt động môi giới của các CTCK chỉ đạt khoảng 700 tỷ đồng, giảm gần 37% so với quý trước và là mức thấp nhất trong vòng 7 quý. Biên lãi gộp co lại còn 23%, thấp hơn nhiều so với con số 28% của quý trước và đỉnh 37% vào quý 4/2021.

Thị trường chứng khoán đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ. Thanh khoản ngày càng “teo tóp” với giá trị khớp lệnh bình quân phiên xuống dưới 10.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, nguồn thu từ hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán cũng ngày càng thu hẹp.


Theo thống kê, trong quý 3/2022, tổng doanh thu hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán đạt khoảng 3.100 tỷ đồng, giảm 23% so với quý trước và chỉ bằng gần một nửa giai đoạn bùng nổ trong quý 4/2021. Mặt khác, chi phí các CTCK bỏ ra cho hoạt động này trong quý 3 cũng giảm 17% so với quý trước và thấp hơn 54% so với quý cuối năm ngoái, vào khoảng 2.400 tỷ đồng.


Kết quả, lợi nhuận gộp từ hoạt động môi giới của các CTCK trong quý 3/2022 chỉ đạt khoảng 700 tỷ đồng, giảm gần 37% so với quý trước và là mức thấp nhất trong vòng 7 quý. Đây cũng là lần đầu tiên các CTCK lãi gộp dưới nghìn tỷ từ hoạt động môi giới. Biên lãi gộp co lại còn 23% thấp hơn nhiều so với con số 28% của quý trước và đỉnh 38% vào quý 1/2021.

Một trong những nguyên nhân khiến biên lãi gộp hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán ngày càng thu hẹp đến từ mức độ cạnh tranh giữa các CTCK đang ngày càng gay gắt. Cuộc chạy đua “zero fee” vẫn chưa hết nóng khi ngày càng có nhiều CTCK giảm phí, thậm chí miễn phí giao dịch.


Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động môi giới cũng dần bị thu hẹp khi làn sóng nhà đầu tư mới hạ nhiệt. Sau giai đoạn liên tục tăng nóng, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đã liên tục giảm mạnh thời gian gần đây. Trong tháng 9, nhà đầu tư nội chỉ mở mới 102.000 tài khoản, thấp nhất trong vòng 14 tháng kể từ tháng 7/2021.


Cần phải lưu ý rằng, không ít tài khoản chứng khoán sẽ rơi vào trạng thái “passive” do mở bị động. Khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng sẽ được các CTCK liên kết với ngân hàng mở tự động tài khoản chứng khoán trong khi không thực sự có nhu cầu giao dịch. Do đó, số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường có thể còn thấp hơn nhiều con số thống kê tài khoản mở mới. Mặt khác, không thể tránh khỏi việc có những nhà đầu tư rời bỏ thị trường sau giai đoạn khó khăn vừa qua.


Đua thị phần để làm gì?


Mặc dù nguồn thu ngày càng thu hẹp và biên lợi nhuận gộp cũng đang mỏng dần tuy nhiên mảng nghiệp vụ môi giới vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các CTCK. Bởi, những lợi ích từ tệp khách hàng “khủng” có thể mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguồn thu phí giao dịch thông thường.


Một trong số lợi ích dễ thấy là tác động tích cực của việc có một tệp khách hàng lớn đối với hoạt động cho vay. Nhà đầu tư đương nhiên vẫn thường ưu tiên dùng margin tại CTCK đã có sẵn tài khoản mặc dù yếu tố lãi suất có thể khiến khách hàng thay đổi quyết định. Tệp khách hàng càng lớn ở một khía cạnh nào đó sẽ kéo theo nhu cầu vay margin càng cao.


Thêm nữa, tệp khách hàng khủng cũng sẽ giúp các CTCK đưa các sảm phẩm tiếp cận với nhà đầu tư dễ dàng hơn. Trước đây, nếu nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán vì chủ yếu đầu tư cổ phiếu nhưng nay nhu cầu đã có những thay đổi. Nhà đầu tư cần các CTCK có khả năng quản lý tài sản giỏi, đảm bảo được khả năng sinh lời bất chấp thị trường lên xuống. Điều này đồng nghĩa khi cổ phiếu kém hấp dẫn, nhu cầu chuyển sang đầu tư trái phiếu, chứng chỉ quỹ hoặc các sản phẩm khác sẽ ngày càng lớn.


Nắm bắt được xu hướng này, các CTCK cũng đã từng bước xây dựng hệ sinh thái gồm nhiều sản phẩm đã dạng. Điển hình như VNDirect với các sản phẩm như D-Bond, D-Money, D-Cast cùng các gói tích sản hưu trí, Heo đất tiết kiệm hay lập các quỹ đầu tư riêng (Quỹ đầu tư chủ động VNDAF),... Các sản phẩm này sẽ dễ mang lại hiệu quả hơn khi được tiếp thị một cách trực diện đến khách hàng.


Thêm nữa, giao dịch ảm đạm có thể chỉ là vấn đề ngắn hạn do ảnh hưởng của xu hướng tăng lãi suất và những hoạt động thanh lọc thị trường. Về cơ bản, chứng khoán được định hướng sẽ ngày càng trở nên phổ biến và số lượng nhà đầu tư sẽ tiếp tục gia tăng là xu hướng tất yếu. Trong chiến lược phát triển chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, Bộ Tài chính đặt mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 8% dân số vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030.


Rõ ràng, dư địa tăng trưởng trong dài hạn là rất lớn và việc định hình thương hiệu, gia tăng sự hiện diện ngay từ bây giờ là điều rất cần thiết đối với các CTCK. Đây cũng là lý do khiến cuộc đua giành thị phần môi giới vẫn đang rất nóng.


Miếng bánh ngày càng phân mảnh


Thực tế, vị thế của các CTCK trong cuộc chơi thị phần đã có nhiều xáo trộn trong khoảng 3 năm trở lại đây. Trong giai đoạn trước, cuộc đua thị phần gần như chỉ bó hẹp trong nhóm SSI, VCSC, HSC. Thời điểm đó, nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn khi số lượng các CTCK thực sự có tiềm lực vẫn hạn chế. Các CTCK trên dù thu phí cao nhưng vẫn thu hút được khách hàng nhờ thương hiệu đã được định hình.


Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi chóng mặt khi số lượng nhà đầu tư tham gia ngày càng đông đảo cùng với đó là sự vươn lên mạnh mẽ của các đối thủ cạnh tranh. Việc phụ thuộc nhiều vào khách hàng tổ chức trong khi thị trường gần như không có giao dịch IB (môi giới tài chính) nào đáng chú ý trong 2 năm qua, đã khiến SSI, VCSC, HSC bắt nhịp cuộc chơi chậm hơn và dần đánh mất thị phần.

Trong khi đó, các CTCK tập trung phát triển bán lẻ với trọng tâm là nhà đầu tư cá nhân đã vươn lên mạnh mẽ, thậm chí vượt mặt các đàn anh như trường hợp của VPS. Với đội ngũ môi giới hùng hậu, CTCK này đã vươn lên vị trí số một về thị phần môi giới trên cả 3 sàn và phái sinh trong nhiều quý trở lại đây. VNDirect cũng hướng đến bán lẻ nhưng chiến lược có phần tập trung hơn vào quản lý tài sản, do đó thị phần duy trì khá ổn định.

Trên thực tế, mảng môi giới tại nhiều CTCK đem về lợi nhuận rất thấp, thậm chí không có lãi do phải chi các khoản hoa hồng lớn cho môi giới. Vì thế, một số CTCK đã mạnh dạn bỏ hoạt động môi giới bằng người như DNSE, TCBS, Pinetree,... thay vào đó là các chương trình giảm phí cho người dùng. Động thái mang tính đánh đổi doanh thu lấy tệp khách hàng và hướng đi này cũng đang khiến cuộc đua giảm phí giữa các CTCK càng trở nên căng thẳng.

Thêm nữa, sự xuất hiện của các CTCK nước ngoài cũng khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trước đây, rất hiếm khi bảng xếp hạng top 10 thị phần môi giới có sự xuất hiện của yếu tố ngoại nhưng đến nay Mirae Asset, KIS Việt Nam đã thường xuyên góp mặt trong danh sách này. Một số CTCK ngoại khác như KBSV, Maybank Kim Eng cũng không ít lần chen chân vào top 10 thị phần môi giới các quý.

Khác với hướng phát triển của nhiều CTCK nội, các CTCK có vốn ngoại không quá bạo chi để duy trì một đội ngũ môi giới đông đảo. Thay vào đó, nhóm này đang tận dụng khá tốt nguồn vốn chi phí rẻ. Những ưu đãi về lãi suất vay margin đang giúp nhóm này ngày càng thu hút được sự chú ý của khách hàng nhiều hơn. Với tiềm lực tài chính hùng hậu của các tập đoàn mẹ đứng sau, các CTCK ngoại được dự báo sẽ còn cạnh tranh gay gắt hơn trong thời gian tới.


Nhịp Sống Thị Trường


Theo dõi tiếp các bài viết của chúng tôi tại

Comentarios


bottom of page